Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Cảm nhận về chuyến đi Malaysia và Singapore

Cảm nhận về chuyến đi Malaysia và Singapore
Trong thời gian gần đây, việc các công ty, tổ chức thường có những chương trình tham quan, du lịch cho cán bộ công nhân viên không còn là vấn đề mới mẻ, bởi đó là các hoạt động bổ ích nhằm tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi, mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng thích nghi, hội nhập. Để tổ chức được một chuyến tham quan, có thể phải tốn một số tiền khá lớn… Tuy nhiên đó lại là chi phí rất cần thiết để có những điều mới mẻ trong chuyên môn, góp phần thay đổi  tích cực cho sự phát triển của công ty. Bản thân tôi cũng đã được mở rộng tầm mắt, học hỏi được rất nhiều điều thú vị và bổ ích trong chuyến tham quan này. Và hôm nay, tôi cũng xin phép được chia sẻ với mọi người.
Sau thời gian gần 2 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, cái nhìn đầu tiên của tôi về đất nước Mã Lai là bạt ngàn cây xanh, nhìn xa xa như những cây dừa hay cây chuối, được trồng rất quy mô. Đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur đoàn chúng tôi được chào đón bởi một hướng dẫn viên gốc Hoa tên Cherf. Trên đường đi Chị ấy đã giới thiệu cho chúng tôi đôi nét về đất nước Mã lai và cho biết đây là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo. Diện tích của Mã lai xấp xỉ như diện tích Việt Nam nhưng dân số chỉ có 26 triệu dân trong đó người Mã lai chiếm 67%, người hoa chiếm 25% và người Ấn chiếm 8% còn lại là các dân tộc khác. Đường cao tốc dẫn vào trung tâm Kuala Lumpur hai bên đường là những hàng cây dài hàng cây số, thẳng tắp và nhờ Chị Cherf mà tôi biết được những dự đoán của mình trước đây hoàn toàn sai. Đất nước này được bao phủ bởi một rừng cọ. Cọ có khắp nơi với tổng diện tích khoảng 4 triệu héc ta. Cọ dùng làm dầu ăn, cọ dùng làm mỹ phẩm … Và Mã Lai chiếm khoảng 70% lượng dầu cọ xuất khẩu ra thế giới. Tôi cảm thấy dầu cọ của Mã Lai không khác gì so với nước mắm của người Việt Nam chúng ta. Có lẽ vì dầu cọ Mã Lai rẻ nên hầu hết các món ăn của Mã lai món nào cũng có dầu và nhiều dầu ăn cũng như Việt Nam ăn gì cũng có nước mắm.
Ấn tượng thứ hai khi đến Malaysia là sau khi tham quan thành phố Putrajava, cách thủ đô Kuala Lumpur vài chục cây số, một thành phố hiện đại còn có tên gọi là thành phố thông minh. Một thành phố mới mang tên vị thủ tướng đầu tiên của Mã lai, một thành phố mới về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, kiến trúc hiện đại và tính thẩm mỹ rất cao. Từ thánh đường hồi giáo đến văn phòng thủ tướng, những dinh thự sang trọng không lẫn vào đâu nét truyền thống dân tộc của họ.
Đến với Cao Nguyên Genting, điều đầu tiên làm tôi thán phục là chủ nhân của khu cao nguyên này ông Lee Goh Toong, một trong những người giàu có nhất đất nước này. Tôi không biết giá trị tài sản hiện có của ông là bao nhiêu nhưng chỉ riêng việc ông và gia đình đang quản lý 6.000 ha đồi núi và tạo dựng thành khu vui chơi, giải trí Genting thì thật là đáng nể, với số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Không khách du lịch nào đặt chân đến Mã lai mà bỏ qua điểm đến thú vị này. Mặc dù tôi đã đi cáp treo Vinpearl – Nha Trang, một trong những cáp treo vượt biển dài nhất thế giới nhưng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi ngồi cáp treo đến Cao nguyên Genting. Ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển. Khí hậu ở đây quả thật rất dễ chịu. Ngồi trong cáp treo đi giữa sương mù, chúng tôi được ngắm nhìn rừng núi hùng vĩ, thơ mộng và ai cũng thán phục về ý tưởng biến khu đồi núi này thành khu vui chơi của ông Lee Goh Toong. Ở đây không chỉ nổi tiếng là khu sòng bài nổi tiếng nhất của Mã lai mà còn là khu vui chơi giải trí tổng hợp bao gồm khách sạn, nhà hàng, siêu thị rạp xiếc…
Rời xa những khu vui chơi, chúng tôi được đưa đến cửa hàng bán Sâm Tongkat Ali, chưa đến nơi nhưng Chị Cherf hướng dẫn viên đã bắt đầu quảng cáo rằng người dân Mã Lai ăn gì cũng nhiều dầu, một thói quen ăn uống không tốt nhưng người dân ở đây cực kỳ ít bệnh, các loại bệnh mà Việt Nam chúng ta rất nhiều người bị như: máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ… và lý do mà người Mã lai ít bệnh như vậy là nhờ cây sâm này, bản thân tôi cũng thấy ấn tượng dần với cây sâm mà chỉ mới được nghe tên ấy. Đến với cửa hàng chúng tôi được đưa vào một căn phòng riêng, không lớn lắm, một nhân viên nữ mặc vest rất lịch sự đã chờ sẵn để đón đoàn chúng tôi. Ấn tượng đầu tiên là phong cách bán hàng của nước bạn rất chuyên nghiệp, đến với họ tôi cảm thấy họ hơn mình một bậc về kỹ năng bán hàng và phải công nhận cách quảng bá thương hiệu của họ cực kỳ tốt. Trên thế giới Mã Lai không nổi tiếng về Sâm, và lên google search cũng không tìm thấy trang nào quảng bá về sản phẩm sâm Tongkat Ali này, nhưng giới thiệu với chúng tôi họ nói đây là quốc bảo của nước họ, và sản phẩm này dường như lại được nâng lên một tầm cao mới. Khi được nghe giới thiệu tôi mới nhận ra cây sâm này không khác gì cây mật nhân Việt Nam hay còn được gọi là cây bá bệnh vì cây này tôi đã thấy và đã dùng nhưng vẫn chưa tin, nhưng đến đây thì lại hoàn toàn bị thuyết phục vì họ giới thiệu quá hay, quá tốt. Ở Việt Nam có những sản phẩm mà công dụng của nó chẳng hề thua kém những thảo dược quý của các nước khác, nhưng nó lại không được nhiều người biết đến, không được công nhận, ví dụ sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, Quảng Nam, khi được người dân Hàn Quốc cho rằng nó chẳng thua gì Sâm hàn Quốc, nhưng người Việt chúng ta thì rất ít người biết về nó, nó vẫn chưa được công nhận. Thiết nghĩ đó cũng là một điểm hạn chế trong công tác quảng bá sản phẩm quốc nội.
 Sau phần giới thiệu chúng tôi được đưa đến quầy bán hàng và ở đó người ta cho chúng tôi được nếm thử, đầu tiên là sâm này được hãm với nước uống như một loại trà. Đến khi thưởng thức thì tôi tin chắc rằng đây là cây mật nhân Việt Nam, không thể lẫn vào đâu được. Tối về khách sạn tôi bắt đầu lên mạng để tìm hiểu về cây này thì tên khoa học của nó là Eurycoma longifolia là thành phần duy nhất trong sâm alipas được các thầy ở bộ môn dược liệu, dược học cổ truyền, thực vật tìm ra vào năm 2006 và cây mật nhân phân bố nhiều ở các nước đông nam á như Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Lào…. Nơi tôi đang sống cây này được mọi người bán đầy đường với giá vô cùng rẻ nhưng ở Mã Lai họ bán với giá không thể ngờ, 1 gói 250gr cả triệu tiền Việt Nam, nhưng mọi người đến đây hầu như ai cũng mua. Cùng là một cây công dụng như nhau nhưng ở hai nơi và cách nhìn của con người cũng thật là khác biệt. Đến đây tôi mới thấy sức mạnh của công tác  thương hiệu, nhất là hoạt động truyền thông, quảng cáo.
Đất đai của Mã Lai không màu mỡ như Việt Nam, đi đường tôi quan sát hai bên đường hầu như toàn cây dương xỉ, một loại cây chỉ sống được nơi cằn cỗi, nhưng họ biết lợi dụng cái thế mạnh của mình, họ trồng những cây công nghiệp phù hợp với khí hậu của họ, khai thác triệt để những cái mình có.và đem lại lợi ích kinh tế cao. Việt Nam chúng ta là đất nước có nhiều tài nguyên nhưng không được khai thác, cây thuốc quý ở ngay bên mình nhưng mình không biết, lại đi mua về với giá quá đắt. Nếu các bạn không tin lời tôi nói các bạn có thể lên mạng gõ chữ: cây sâm Mã Lai (http://thuoccuongduong.com.vn/thuoc-bo-than/tac-dung-cua-cay-mat-nhan.htlm) các bạn sẽ có lời giải đáp cho riêng mình. Còn bản thân tôi tôi đã có câu trả lời cho riêng mình. Và nghĩ rằng có cái nên thay đổi….
Tạm biệt thủ đô Kualar Lumpur chúng tôi di chuyển về phố cổ Malacca, một thành phố yên bình và cổ kính, giống như phố cổ Hội An chúng ta, nhưng hình như chỉ giống nhau ở cảm nhận: yên bình, những khoảng khắc sống không vội vã, cảm nhận hơi thở cuộc sống chậm lại, bình yên và tận hưởng. Quá trình xâm chiếm của nhiều cường quốc, đồng thời lại là nơi giao thương quốc tế đã khiến Malacca tồn tại màu sắc văn hóa đa dân tộc. Những đạo giáo khác nhau, hiện diện trong đời sống, kiến trúc và tôn giáo nơi này. Du khách rất dễ dàng nhận ra sự hòa hợp giữa các nền văn hóa Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh cùng tồn tại với hình ảnh đạo Hồi trong trang phục kín đáo của các thiếu nữ. Và đây cũng là một trong những nét rất riêng của Malacca. Ngoài ra Malacca cũng có 1 dàn xe xích lô như xích lô Việt Nam nhưng rất đặc sắc ở chỗ nó được trang trí với toàn là hoa bắt mắt, ngồi lên xe như ngồi trên một chiếc xe hoa và du khách hoàn toàn có thể tin rằng mình đang là một “ông hoàng bà chúa” vậy. Không những đẹp và lộng lẫy, ngồi trên xe du khách còn được thưởng thức những giai điệu truyền thống của đất nước Mã Lai khiến cho du khách thật sự rất thích thú.
Chia tay đất nước Mã Lai xinh đẹp chúng tôi đến với Singapore. Hôm đó là ngày thứ 7, có lẽ vì vậy mà con đường này tràn ngập xe ô tô. Hướng đi từ Sing sang Mã tắc đường đến hàng cây số, toàn xe ôtô. Ôtô ở nước này nhiều như xe máy của Việt Nam, theo như lời của hướng dẫn viên chúng tôi được biết, giá cả của Mã lai rẻ hơn rất nhiều so với Singapore, riêng xăng dầu thì rẻ hơn ½  nên cuối tuần người Singapore sang Mã lai rất nhiều. Họ đến với thành phố Johor Bahru để nghỉ cuối tuần, mua thêm lương thực và xăng dầu.
Singapore đất nước với diện tích chỉ bằng 1/3 so với Hà Nội cũ và dân số khoảng 5 triệu dân, nhưng đến đây bạn sẽ không cảm thấy sự chật chội, đông đúc, chen chúc như Hà Nội hay Sài Gòn mà ngược lại bạn sẽ cảm thấy mọi thứ thật sạch sẽ, cây cối ở khắp mọi nơi theo đúng kế hoạch của vị thủ tướng đầu tiên của Singapore ông Lý Quang Diệu là muốn làm vườn quanh đất nước. Nếu trước kia, quốc gia này phát triển theo mô hình “khu vườn trong thành phố”, giờ họ lại đang phấn đấu trở thành “thành phố trong khu vườn” vào năm 2016. Vì vậy không khí ở đây thật trong lành và dễ chịu. Đặc biệt hơn, nếu ở Việt Nam các thành phố lớn hầu như ngày nào cũng bị tắc đường, ở Malaysia ngày thứ hai và thứ 6 hàng tuần sẽ bị tắt đường thì ở Singapore chuyện này hầu như không có. Sáng thứ hai ra đường tôi thật ngạc nhiên vì thành phố thật vắng lặng, không hiểu người đã đi đâu hết thì được hướng dẫn viên trả lời vui rằng: Họ đã đi vào lòng đất. Phương tiện giao thông công cộng và phổ biến tại đây là tàu điện ngầm và xe bus, đặc biệt là tàu điện ngầm, đây là phương tiện giao thông hiện đại, an toàn, sạch nhất thế giới. Các loại vé có thể mua tại các máy bán vé công cộng tự động, được lắp đặt tại tất cả các ga tàu điện ngầm. Nếu đến Singapore mà không đi tàu điện ngầm tôi nghĩ các bạn đã bỏ lỡ một điểm đáng khám phá. Giao thông hiện đại là điều kiện quyết định để Singapore phát triển kinh tế vững mạnh, việc sử dụng tàu điện ngầm còn là nếp sống văn minh đô thị của người dân Singapore.
Điều ấn tượng tiếp theo khi đến với Singapore đó chính là tính đa dạng về văn hoá cụ thể được phản ánh qua ngôn ngữ Singapore có ngôn ngữ đại diện cho từng dân tộc trong số bốn nhóm dân tộc chính của mình. Bốn ngôn ngữ chính thức trong Hiến pháp của Singapore là tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil. Tuy nhiên, để ghi nhớ dân tộc Mã Lai là những cư dân bản địa đầu tiên của đất nước, ngôn ngữ quốc gia được chọn là tiếng Mã Lai. Hầu như mọi người dân Singapore đều có thể nói nhiều hơn một thứ tiếng, trong đó nhiều người có thể nói được tới ba hoặc bốn thứ tiếng. Hầu hết trẻ em lớn lên trong môi trường song ngữ từ thuở nhỏ và có thể học các ngôn ngữ khác khi lớn lên. Trong phần lớn dân số biết hai thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông là hai ngôn ngữ được dùng phổ biến nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Đến với Singapore điều làm tôi thú vị nhất vẫn là điện. Chắc chắn mọi người sẽ ngạc nhiên. Ở Việt Nam chúng ta khi sử dụng điện mọi người sẽ nghe khẩu hiệu rằng: Tắt khi không sử dụng, nhưng đến đây điện không cần tiết kiệm. Ở đây dùng điện nguyên tử nên mọi người được khuyến khích dùng điện, dùng càng nhiều giá càng rẻ. Chính vì điều đó mà ánh sáng khắp mọi nơi. Ánh đèn làm cho Singgapore trở nên huyền ảo và quyến rũ một cách lạ thường, giá như tôi có thể mua về Việt Nam một ít.
Qua chuyến đi du lịch vừa rồi đến với hai nước phát triển so với Việt Nam và tôi thấy không ở đâu mà rượu, bia, thuốc lá được bán rẻ mạt như đất nước chúng ta đang sống. Khách du lịch khi đến Việt Nam họ xem việc uống rượu, bia của người dân chúng ta như là một nét văn hoá. Vô tình tôi được ngồi ăn chung phòng với một trường học đang tổ chức một buổi lễ liên hoan hay nhân ngày gì đó mà tôi không rõ, nhưng tôi không thấy một ai (mặc dù ở đó có mấy bàn ăn của giáo viên) uống một giọt rượu nào. Mọi người ăn, uống trà rất vui vẻ, nhìn qua tôi biết họ rất khoẻ mạnh. Thiết nghĩ uống bia rượu trong những dịp hội họp, lễ, Tết cũng là một nét văn hóa đặc trung của người Việt, nhưng cũng không nên “quá”, vì nó có thể trở thành “cái xấu” của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Nhân đây tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Ban tổng giám đốc Công ty Nicotex, ban giám đốc Công ty Gia Lai đã tạo điều kiện cho tôi được học hỏi thêm nhiều điều mới! Ngoài những điều được học hỏi từ nước bạn thì chuyến đi này còn giúp tôi gần gũi hơn với mọi người cùng đoàn. Tôi cũng mong muốn nhiều người trong Nicotex sẽ được đi như tôi và bản thân tôi sẽ được đi thêm nhiều quốc gia khác. Tôi đã nghe được ở đâu đó người ta nói rằng: Cuộc đời là những chuyến đi và sau chuyến đi này bản thân tôi càng hiểu sâu sắc câu nói của cha ông ta "Đi một ngày đàng học một sàng khôn".
Lê Thị Ngọc Yến
Theo http://nicotex.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...