Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Học trò cũ

Học trò cũ 
Ngôi nhà nhỏ lợp mái ngói âm dương nép mình khiêm tốn dưới cây xoài rợp bóng. Một mảnh vườn bao bọc chung quanh trồng các loại bông hoa thông thường, quen mắt như soi nhái, mười giờ…chen lẫn vài chậu mai vàng sần sùi, già cỗi. Làn gió nhẹ đong đưa những cành phong lan sắc màu kỳ diệu lủng lẳng trong vỏ dừa treo trên hàng hiên. Thầy ngồi tựa băng ghế trầm ngâm có đến hàng giờ, thói quen mỗi buổi sáng khi cô con gái duy nhất đã đi làm. Tuổi tác ngoài bảy mươi, bây giờ thầy hay hồi tưởng những kỷ niệm thời gian dạy học khá dài, gần như chiếm hết thời thanh xuân. Không thể nào nhớ đầy đủ những khuôn mặt thân quen, đồng nghiệp, học trò được. Có khi bất chợt, thầy thấy hiển hiện hình ảnh, tính ý hồn nhiên, nghịch ngợm của những đứa học trò mà từ khi rời lớp chưa một lần gặp lại. Thầy băn khoăn tự hỏi chúng nó giờ sống ra sao? có vất vả lắm không?, giá như biết chút tin tức thì an lòng hơn. Nói điều này ra, nhiều người cho là thầy lẩm cẩm lo xa bởi chắc gì những đứa học trò ấy nhớ thầy, cho dù chỉ mọt phút. Thầy không tranh luận mà nghĩ rằng những học trò cũ giống như những đứa con trong một gia đình lớn, khi trưởng thành thì phải chia tay nhau, kẻ nhớ người quên không trách. Mình là thầy, cần rộng mở tâm hồn cùng mong ước thiết tha chúng vào đời sống tốt, có ích cho xã hội là vui lắm rồi, còn gì hơn?. Lấy tờ thư trong túi áo ra, thầy vuốt ve mà không xem, tâm trí quay lại chuyện ba ngày trước…
Mười giờ sáng chủ nhật, bốn học trò cũ của thầy cùng ghé thăm một lượt. Anh làm ăn thành đạt, anh có địa vị cao, tất cà đều sống ở thị xã và huyện gần bên. Nghe tin thầy bệnh, chuẩn bị lên thành phố mổ, họ hẹn nhau đến thăm hỏi. Ai cũng mang theo quà bánh, sữa đường cho thầy bồi dưỡng cùng sự kính trọng người khai sáng cho tương lai mình. Chuyện trò một lúc, một anh ra xe mang vào thùng bia cùng túi thịt nguội và xin thầy cho phép ra ngoài vườn vui chơi một lúc. Chuyện bình thường, thầy vui vẻ bằng lòng ngay. Bốn anh hứng thú bàn chuyện làm ăn, khoe sự quen biết rộng, hứa hẹn liên kết nhau sau này. Những tràng cười phấn khích rộ lên, ai cũng có vẻ tự mãn về cuộc sống hiện tại. Thầy ngồi nhấm nháp ly trà sâm, có lúc nhíu mày trầm tư khi nghe các học trò bày tỏ quan niệm trong đối nhân xử thế, hình như không đơn giản, dễ chịu giống thời thầy trước đây. Vừa lúc có khách đến chào thầy, mọi người ngờ ngợ hỏi nhau đôi câu mới biết khách cũng là học trò cũ của thầy. Anh cùng thầy vào nhà hồi lâu trở ra vườn, uống một ly bia rồi xin thôi. Thầy thân mật giới thiệu:
- Đây là Hùng, học trên các em một lớp, mười mấy năm nay sinh sống ở Đồng Tháp. Có ghé thầy một lần, hồi cô mất. Đường xá xa xôi mà cũng cực công đến thăm, tình nghĩa này thiệt thầy không biết cảm ơn em ra sao cho…
Hùng lễ phép cúi đầu:
- Thưa thầy! xin thầy đừng nói vậy…Công ơn thầy dạy dỗ em bao nhiêu năm trời còn chưa đền đáp được…
Qua phút ngỡ ngàng ban đầu, những người học trò cũ thay nhau nhắc từng kỷ niệm ngày chung mái trường thân quen. Ánh mắt thầy hiền dịu nhìn ra xa xa, tai lắng nghe từng lời gợi nhớ quãng đời bụi phấn rắc đầy tay. Nghe các bạn hỏi nhiều lần, Hùng mới cho biết từ khi thôi học anh làm đủ nghề kiếm sống, sự cực nhọc, lăn lộn đã nhiều. Cho tới khi lập gia đình, anh định cư hẳn ở Đồng Tháp, theo nghề làm ruộng, chăn nuôi. Nghe anh kể thêm về những khó khăn, thiếu thồn trong sinh hoạt miền quê cùng những thăng trầm nghề nghiệp bởi có năm thời tiết, giá cả thất thường, bốn người bạn nhìn nhau lắc đầu ái ngại. Thầy không nói gì, chỉ nhìn Hùng đăm đăm thương cảm. Ngó đôi chim sâu nhảy nhót bên rào, Hùng chợt nói:
- Không biết thầy còn nhớ năm cuối em học thầy, dịp gần Tết có cơn bão ngang qua thị xã…Hết giờ học, thầy giữ cả lớp lại chưa cho về ngay vì sợ giông gió gây tai nạn. Em nhớ hoài câu chuyện thầy kể lúc đó…
Vuốt mái tóc bạc trắng, thầy cười hiền hậu:
- Thầy nghe mang máng như…Em nói tiếp đi!

- Dạ…thầy kể chuyện con chim Từ Quy trong mùa đông giá rét không tìm được thức ăn đã dùng mõ rứt thịt mình cho đàn con no lòng. Đêm đó về em đã khóc, khóc vì tình thương vô bờ. Má hỏi vì sao, em kể lại làm má cũng rưng rưng. Nhà em nghèo lắm, ráng nuôi em ăn học được cũng lắm gian nan…Thầy thương, nhín nhút giúp cho em tập vở, giấy viết và tiếp thêm nghị lực. Mấy năm sau má em mất, khuya khuya em tỉnh giấc lại nhớ má, nhớ câu chuyện thầy kể và chỉ biết khóc một mình!
Tất cả bỗng dưng cùng yên lặng. Hùng đứng lên khoanh tay trước ngực, lễ phép:
- Thưa thầy! bây giờ em mới cảm nhận thêm điều này nữa. Thầy ví như chim Từ Quy, đem tâm huyết, sức lực cả đời dành cho lớp lớp học trò. Sự răn dạy điều hay lẽ phải ở đời cùng kiến thức của thầy truyền đạt, em không hề quên. Dù cuộc sống có nghèo nàn hay cao sang, có lẽ những học trò thầy vẫn luôn xứng đáng với bài học làm người mà thầy thường nghiêm khắc nhắc nhỡ khi xưa…
Bốn người bạn cũng xúc động đứng lên nói lới biết ơn thầy rồi bịn rịn chia tay nhau sau khi trao đổi địa chỉ liên lạc. Hùng nán lại một chút, ân cần dặn dò thầy giữ gìn sức khỏe. Khoác chiếc áo bụi bặm lên người, anh xiết tay thầy từ giã. Đợi xe chạy xa khuất, thầy quay vào nhà. Lúc mở gói quà Hùng gởi, thầy sững sờ khi thấy chiếc phong bì đựng số tiến ba triệu cùng dòng thư ngắn "Thưa thầy! tình thầy trò em không dám đo bằng tiền, nhưng xin thầy nhận cho tấm lòng của gia đình em cùng chia sẻ trong lúc hoạn nạn. Hẹn lần sau gặp thầy được mạnh khỏe hơn. Đứa học trò cũ. Hùng"…
Một tốp thợ xây dựng lưng áo đẫm mồ hôi đang khuân vác dụng cụ ngang nhà, tiếng cười đùa lao xao cắt ngang dòng suy nghĩ của thầy. Hai bé gái trông giống nhau- chắc là chị em- rụt rè kiễng chân với hái cành dâm bụt bên rào. Thầy nhìn ra, gật đầu ngụ ý khuyến khích, bằng lòng. Chúng vụt chạy đi với những bông hoa tươi thắm trên tay cùng tiếng cười trẻ con khúc khích. Những nếp nhăn trên trán như dãn ra, thầy lẩm bẩm một câu danh ngôn đã đọc "Trí óc lớn lên bằng những gì người ta nuôi dưỡng chúng"…
NGUYỄN KIM
CHUỘT
Không hiểu vì sao Tùng luôn bị ám ảnh, bận rộn bởi loài chuột. Cũng chẳng phải thường xuyên kiểu lệch lạc tâm trí, nhưng bất chợt trong lúc rảnh rang hoặc có điều gì đó gợi liên tưởng là anh nhớ đến nó. Có lẽ vì anh phải sống nhiều năm ở xóm lao động nghèo, ẩm thấp này, buộc đi về chung đụng bọn chuột như với cộng đồng hàng xóm khó chịu, chuyên sống bằng sự bòn rút bản năng nên…bất đắc dĩ mà quen chăng?
Xóm nhà ven sông dựng lên từ lâu, không theo một quy tắc nào, quan trọng là xoay sở chắp vá sao cho có mái che mưa nắng là được. Con đường duy nhất ra phố quá ngoằn ngoèo nên mọi người hay đi tắt ngả chợ cá, nhớp nhúa sá chi. Chiều tối chợ vắng biến thành nơi tụ họp tán gẫu, nhậu nhẹt dưới ánh đèn vàng tù mù, quen rồi thấy cũng lắm điều thú vị. Tùng hay ra đó vì anh chưa có điều kiện thay đổi nếp sinh hoạt, đành tự an ủi rằng sự thay đổi chưa hẳn là tốt, có khi lại tệ hại hơn thì sao? Cứ mặc xác dòng đời bình thản cuốn trôi, cả son phấn và rác rưởi, thơm tho và hôi thối…Ngồi bên bàn nhậu anh ít nói, chăm chú nhìn những con chuột cống đen đúa, mập lút, lầm lì mà tinh quái tranh nhau lôi kéo, giằng xé đùm ruột cá nhầy nhụa, tanh tưởi. Có mấy con chuột già, da lỡ lói trắng hếu, co hai chân trước như ngồi chồm hổm một góc quan sát, thỉnh thoảng mắt bắt ánh đèn lóe lên, thờ ơ nhìn đồng loại, nhìn bọn người lam lũ đang gục gặt bên chai rượu trắng. Vài đứa trẻ lang thang dùng ná thun rình mò bắn những mục tiêu thập thò di động. Chuột cống tranh ăn dữ tơn như cá mập, cắn lẫn nhau, xô đẩy nhau lăn tỏm xuống cống rồi lục ục, lóp ngóp bò lên, tiếp tục. Đều đều khoảng hai giờ sáng, xe ba gát chở cá, chở heo mổ sẵn sắp lớp, phanh lồng ngực thịt xương đỏ hỏn chạy vào thớt để phân phối, nuôi sống con người. Những con chuột hay gầm mặt xuống thường vắn số, sức nặng mấy tạ của bánh xe lạnh lùng lướt qua, bụp một tiếng máu me ruột gan tung tóe. Miếng ăn ngang bằng sự sống, cuộc đổi chác nghiệt ngã của các loài động vật?.Nhà Tùng thuê cạnh bờ sông, chuột cống ít vãng lai nhưng chuột lắt khá nhiều. Chúng loắt choắt, chạy nhảy như làm xiếc, vừa từ nồi cơm phóng qua chảo cá đã xô ngã chai nước tương, lọ muối…

Tùng ném cái nắp soong khua rổn rảng, bọn láu cá vụt biến ngay, chưa đầy một phút sau lại xuất hiện, lấp ló hai con mắt tròn xoe khinh thị, ngúc ngoắc những sợi ria, ngó chủ nhà trêu cợt, thách thức. Mua bẫy kẹp về gài dính được hai con rồi thôi, sau đó lâu lâu tóm được chú chuột xạ hôi rình chẳng bỏ công, Tùng đâm chán. Một lần anh chứng kiến chừng mươi con chuột lắt cắn đuôi nhau chầm chậm xoay ba vòng ở gian bếp rồi đi thẳng, cuộc biểu diễn hiếm hoi. Hồi nhỏ nghe bà ngoại kể chuyện chuột lấy cắp trứng, khoai ôm vào lòng cho đồng bọn kéo đi, việc ấy anh chưa hề thấy. Đám chuột xạ ít phá mà gây phiền không ít. Ban ngày ban mặt cứ chít chít cái mõm sát đất, lừ lừ ngang dọc khắp nhà, Tùng không ghét mà bực mình thói trêu ngươi, bất cần thiên hạ của chúng. Tìm cách tận diệt không được, anh đành giả phớt lờ cho bình an vô sự đôi bên. Nghĩ cũng lạ tính ý con người, nhiều lần Tùng nằm võng nhìn con chuột xạ quanh quẫn đánh hơi lòng vòng rồi ngước cái mõm lông lá hướng phía anh chít chít liên tục. Anh tặc lưỡi thương hại, vất cho cục cơm nguội nhỏ, nó nhẩn nha ăn hết sạch rồi chít chít lại gần chân con người độ lượng kỳ cục. Khác với chuột lắt, giống chuột xạ gan dạ trong ngu muội. Anh rón rén lấy dép cầm tay định đập một phát, nhưng rồi lắc đầu ngán ngẫm xua cho nó bỏ đi. Một đêm anh nằm mơ thấy mình là anh chàng thổi sáo lão luyện trong truyện cổ tích, có tài dẫn dụ tất cả chuột thành phố đi theo. Đi hoài, đi hoài đến kiệt sức mà không thấy sông hay biển để đưa chúng xuống, anh cuống cuồng sợ hãi, la hét và thức giấc, mồ hôi đẫm mặt. Chuột ở khắp xóm, mọi nhà mọi nơi, sục sạo tìm cơm thiu canh cặn riết quen mắt. Chị Ba bán bánh ú tuổi chưa tới hàng tư, thôi chồng, có một con gái, mỡ màng khá đầy đặn khiến nhiều cha sồn sồn mượn rượu ởm ờ gạ gẫm, chỉ uổng công tội nghiệp bởi chị đang trong giai đoạn chán chường, chặt dạ. Đêm nọ chị ngủ hớ hênh sao đó bị con chuột- chắc là chuột sắp thành tinh- cắn cho hai vết ở đùi trong phải đi chích ngừa. Cánh đàn ông mồm mép lén vợ tới hỏi thăm, cho sữa cho đường mà dặn chị đừng nói ra. Nắm bắt cơ hội từ con chuột đưa đến, mấy cha cứ thả câu tỏ bày tình cảm, đời biết đâu được hên xui…
Con hẻm mở rộng trông khá được mắt. Những nhà may mắn được đền bù, hỗ trợ, thêm tiền dành dụm xây lại cho có bộ mặt sáng sủa với người ta. Khi dở mái nhà lá, có người bắt được mấy ổ chuột lắt con đem cho ông Ba mài kéo cuối hẻm ngâm rượu. Những con chuột trắng hồng chưa mở mắt, lộ cả gân máu, ngo ngoe lọt tỏm vào hũ rượu ngâm đủ thứ hầm bà lằng. Tùng vẫn nhà nền đất, trừ phần trên lót gạch tàu, định năm tới dời đi nơi khác. Một sáng sớm uống cà phê về, anh đang xoay trần ngồi viết thì chợt phát hiện chỗ ngạch cửa đùn lên một đống đất lổn nhổn to tướng: chuột cống làm hang. Tùng bỗng dưng nổi giận với ý nghĩ rằng nơi định cư nhiều năm, ổn định và coi như có…chủ quyền của chúng là hệ thống cống khu chợ cá, can cớ chi mà lần mò tới đây?. Anh dồn tất cả số đất ấy xuống, tọng thêm vài cục đá xanh, lấy khúc gỗ to nện kỹ, chắc mẫm sẽ đuổi được những tên lấn chiếm. Ba ngày vắng nhà, khi trở về Tùng sửng sốt: đất đùn lên nhiều hơn trước, có cả mớ bao nhựa, giấy vụn, vài lon cá hộp rỗng…Như cuộc chiến đấu thật sự, Tùng hì hục nấu nồi nước sôi đổ xuống hang, ém chặt đất đá rồi dằn cái cối xay bột cũ bên trên. Phen này thắng hay thua biết liền!.
Nửa tháng trôi qua, trận địa hang chuột êm ắng, Tùng thầm lặng hả hê với thành công khá dễ dàng trên. Nghe vài người quen ở bàn nhậu chợ cá than thở tình hình chuột lộng hành làm hang, làm ổ. Họ cho rằng hiện trạng nhà ở trước đây giống nhau, chuột phân bố đều khắp, nhưng chủ yếu tập trung khu chợ cá. Nay nhiều nhà xây cất lại kín đáo, cống cũ bắt đầu san lấp để làm mới nên binh đoàn chuột phân tán, chọn chỗ đào hang cho bầy đàn thê tử. Phía bên kia sông, xe ben, xe xúc, nhân công làm việc ì xèo hơn năm nay, ít ai chú ý. Chừng bờ kè hoàn thành, người ta mới giật mình thấy bao quanh công viên nhanh chóng mọc lên san sát nhà trọ, nhà hàng, quán nhậu…Đêm đêm, bên ấy đèn đuốc sáng rực, tiếng nhạc ầm ì, thiên hạ vung tiền hưởng thụ vật chất thừa mứa.
Chỉ cách nhau một dòng sông nhỏ mà cuộc sinh hoạt tựa hai thế giới đối lập. Ông Hai sống trên chiếc ghe ọp ẹp làm nhà, chuyên nghề thả vó, giăng câu thề rằng đã tận mắt chứng kiến một cuộc di chuyển kỳ thú của bầy chuột. Hơn nửa đêm, chúng nối đuôi nhau trên bè lục bình dày đặc vượt sông qua vùng đất mới. Ông thều thào "Ở đâu béo bở là có chúng, bọn…chuột người, người chuột!".Tùng góp chuyện, phổ biến kinh nghiệm lấp hang chuột, ai nấy nhìn anh cười khì, không tin tưởng. Quả đúng vậy thật! Chủ nhật sau anh dọn bếp, thở dài sườn sượt khi thấy phía sau bếp gas xuất hiện một đống đất mới. Anh hơi hoảng, hình dung ra các trận đồ ngõ ngách liền lạc nhau bên dưới của loài gậm nhấm, sự kiên nhẫn của chúng và quyết định hốt đổ hết số đất trên, dời bếp và không thèm lấp hang. Một thời gian dài, quên thì thôi, khi nhớ lại bùng lên cảm giác bị bao vây, bị buộc thỏa hiệp nhượng bộ bọn chuột cống, thiệt tệ! Tùng cố gạt chúng ra khỏi suy nghĩ, dù đôi khi bắt gặp cặp chuột cống to xù đủng đỉnh vào ra hang. Một xã hội chuột linh hoạt, thích ứng mọi bất trắc, mọi hoàn cảnh để ăn, để sống, ai làm gì được ai nào?...
Tùng bỏ ra hai ngày để thu dọn, sắp xếp, đóng gói sách vở chuẩn bị dọn đi. Anh bần thần khi sắp rời xa nơi mình quen hơi quen tiếng ba năm trời, cái xóm lao động nghèo mà sự việc cùng con người ngồn ngộn chất liệu, đầy ắp suy tưởng trong tâm hồn. Ở nán lại đến cuối tuần, anh chủ ý theo dõi cái hang chuột, không động tịnh. Buổi sáng ra đi, vừa bóp khóa cửa thì Tùng nghe giọng hô hoán lên bên nhà hàng xóm:
- Ôi trời ơi! chuột đào hang đây nè bà ơi! Nấu cho tui nồi nước sôi…
- Hèn gì mấy đêm nay nó cứ rùng rục, đồ quỷ!
- Bà bớt mồm bớt miệng một chút, chửi nó nghe lại thù vặt cắn bấy bá quần áo thì sao?
Đẩy xe ra ngoài, Tùng hơi mỉm cười, lẩm bẩm "Không lẽ bọn chuột biết mình sắp đi nên cũng di tản tìm nơi ở mới, số kiếp chúng phải cùng sống lẫn lộn với con người, cùng chia chác miếng ăn cho dù là bẩn thỉu?. Đúng là…đồ chuột?". Nổ máy xe, anh chầm chậm ra khỏi con hẻm, tâm trạng không buồn không vui…

NGUYỄN KIM
Theo http://vietmessenger.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình Tôi đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi l...