Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Một thoáng sân nhà

Một thoáng sân nhà 
Hầu như ai cũng có một khoảng sân nhà để nhớ để thương, cho dù trong tâm tưởng hay thực tế, ký ức hay hiện tại. Đó có thể chỉ là một mảnh đất con con trồng vài cây cau, hàng dâm bụt hoặc rộng đủ đề tụ tập bên gốc mít, gốc ổi chơi ô ăn quan, chơi cò chập hoặc xới đất ven rào bỏ hột mồng tơi, hột sâm lá bò lan xanh mướt…Tôi quen một bác cả đời sống dưới ghe cùng vợ chồng người con trai, hai đứa cháu gởi nhà bà con đi học. Ghe bác chở thuê khoai củ, cá mắm…đủ thứ, lâu lâu cặp bến gần nhà tôi đôi ngày nên có dịp trò chuyện nhau.
Tuổi già hay ôn lại chuyện cũ và những ước mơ chưa và có lẽ không bao giờ thực hiện được. Bác thường nhắc những nơi mình đã đi qua, nơi mình ghé lại, lạ riết thành quen. Trong câu chuyện, quãng thời gian nhiều kỷ niệm với bác là lúc ghe đậu bến chợ Trường An thuộc địa phận Vĩnh Long cho cô con dâu sinh đứa cháu thứ hai. Một gia đình nhơn hậu cho bác ở nhờ cái chòi lá trước nhà suốt hơn hai tháng, đôi bàn chân trần bén hơi đất quyến luyến chẳng muốn rời. Sân nhà chằng chịt dây leo, cây dại, không người dọn dẹp. Bác tẩn mẩn dọn cỏ, xới đất trồng ớt, cà, đu đủ…lại thêm mấy cây cau tây, dưới gốc dậm bông mười giờ, bông soi nhái. Vậy mà bác vui không gì bằng, rãnh rỗi lại săm soi từng chiếc lá, tìm bắt từng con sâu. Sáng sớm bên ấm trà trước sân, bác cùng người chủ nhà đồng niên chuyện vãn thế thái nhân tình, mua bán làm ăn khá là hợp ý. Thời gian qua nhanh, chừng con dâu cứng cáp thì cả nhà bác từ giã xuống ghe. Bác kể với tôi rằng lúc đặt chân lên đòn dài bác đã ngập ngừng rướm lệ, trong nỗi buồn xa người cưu mang mình còn chút bùi ngùi cho khoảng sân nhà không mong gặp lại. Chỉ là mấy cái cây bám đất bám rễ mong manh thôi mà thương, mà bịn rịn bởi nó mang hơi hướm thân quen, tựa chiếc cầu nối tình cảm quê cha đất mẹ nay đã xa vời.
Tâm trạng thấp thoáng niềm ân hận, nhớ nhung như người…vô tâm phụ bạc, thật khó diễn tả cho đúng. Những người hời hợt cho là bác nặng lòng đa cảm, có đáng chi mà nhớ. Tôi thì nghe qua tâm sự của bác, đêm nằm bỗng dưng thao thức miên man rồi buồn một mình. Tết rồi, bác chở chuyến hoa kiểng bán tới mùng ba thi rời bến. Bác cho hay lần này về quê sống với đứa cháu ruột luôn vì sức khỏe đã kém nhiều, con trai con dâu thương cha không cho theo ghe cực nhọc. Đáng lẽ lui ghe chiều hăm chín, nhưng bác muốn nấn ná thêm vài hôm nữa, con phải chìu ý. Chẳng nói ra, nhưng tôi mừng cho bác từ nay tha hồ hít thở mùi mạ non, mùi lúa chín, mùi cỏ dập dưới đôi bàn chân không hay chạm đất. Rồi lại lo bác sẽ ưu tư, tình cảm ngược dòng về bạn thương hồ, sông nước lớn ròng, ngã năm ngã bảy!
Nhà bà ngoại tôi ở quê. Phía sau có mảnh vườn trồng mía, bắp, phía trước là khoảng sân đất nện phẳng. Đậy là nơi gắn bó tuổi thơ tôi với các bạn hàng xóm cùng lứa. Đây là nơi chúng tôi chơi bắn kè, thảy lổ đáo, có khi đốt lửa nướng cua đồng, nướng bắp…Bà ngoại dễ tính, thương trẻ con nên ít khi rầy la. Cạnh rào mọc lên hai cây mù u, lá xanh dày che mát hướng mặt trời lắn. Sau nhà có cái ao được cơi lớn, bắc ván làm cầu lấy nước sinh hoạt, cũng là nơi tôi tắm mỗi chiều. Hồi chiến tranh, ngoại nhất định không chịu tản cư, tối nằm ngủ dưới bàn thờ Phật. Khuya nọ, đạn pháo bắn nổ hai trái liền kề ở góc vườn thành hố, thành ao, ngoại để vậy không lấp. Đêm trăng, ngoại đào khoai môn nấu một nồi bưng ra sân, trải chiếu cho bọn trẻ chúng tôi ăn với đường tán. Vị bùi, ngọt của món quà quê cùng trăng thanh gió mát, cử chỉ, lời nói đầy ắp yêu thương của ngoại lắng đọng mãi trong lòng tôi. Mỗi lần nhớ lại khoảng sân nhà là tôi nhớ tất cả, con người cùng cảnh vật, từng chi tiết tưởng chừng rất vu vơ, bé nhỏ. Bà ngoại tôi mất, vài năm sau nhà đổi chủ. Người ta cất nhà lớn, thu hẹp khoảng sân, đốn bỏ hai cây mù u giờ chỉ còn trong ký ức, không phai. Có lúc buồn chán, thất vọng điều gì trong cuộc sống đầy những đố kỵ bon chen, tôi lại hồi tưởng tuổi thơ, những ngày quê ngoại cùng khoảng sân nhà bình dị, bao dung. Mấy cô bạn nhỏ ngày xưa tíu tít chia nhau trái me, trái khế, giờ theo chồng xa xứ hay đã tay bồng tay bế…cháu nội, cháu ngoại?.
Tóc xanh giờ thành tóc hoa râm là chuyện thường tình, sao tâm trí mình lại viễn vông, ray rức một thoáng sân nhà?...
NGUYỄN KIM
NGỌC THỰC - KÝ ỨC MIỀN QUÊ
Được xem những bài luận văn của các em học sinh tả cảnh thu hoạch mùa màng, thường chỉ thấy không khí vui tươi, lao động phấn khởi, rộn rã tiếng cười; ít khi đọc được vài dòng nhắc nhỡ đến nỗi vất vả của người làm ra hột lúa.
Người nông dân trước đó phải dọn ruộng, đắp bờ, ủ gieo giống, dầm nước nhổ mạ cấy trồng…Rồi còn bao lo toan, trông trời trông nắng trông mưa, một nắng hai sương, thấp thỏm không yên giấc đêm mưa giông bão táp cho tới ngày sân phơi đầy lúa óng vàng, quây bồ đón hạt ngọc của trời; thành quả từ những giọt mồ hôi đổ ra trong nắng cháy, những cơn mưa lạnh tím môi. Biết bao câu ca dao tục ngữ ngàn xưa đã nói về sự lao động cần mẫn của nghiệp nhà nông. Bởi vậy, có thể nói chắc một điều là người ở nông thôn từ trong máu thịt đã biết tiềm tàng, quí trọng, dè xẻn hột gạo hơn hẳn người sốg nơi thành thị…
Bà ngoại tôi cả đời sống ở quê, đạm bạc, hồn hậu, thương con thương cháu. Những lần nghỉ hè về chơi, anh em chúng tôi tha hồ leo trèo, tắm rạch, bày đủ thứ trò chơi dân dã. Vận động nhiều nên mau đói bụng, nhưng thuở đó đâu có nhiều quà bánh, hàng quán như bây giờ. Biết ý, bữa nào ngoại cũng hốt gạo nấu vun nồi, ăn cơm chiều rồi mà cơm trong nồi vẫn còn. Khuya sớm, ngoại lụm cụm thức dậy nấu nồi cháo trắng bằng cơm nguội cho chúng tôi lót dạ với tép rang, khô mặn. Trời nực giông, cơm hay bị "đổ mồ hôi" thì ngoại nấu nồi nước sôi cho cơm ấy vào chắt nước gút ráo. Một lần tôi chê cơm nhạt, lén bưng cả chén cơm trắng đổ mé hè nhà. Ngoại biết mà không rầy, nhưng lúc sau tôi thấy ngoại ngồi tẩn mẩn nhặt kỳ hết chén cơm tôi vừa đổ rồi trút vào mo cau cho vịt ăn.
Chuyện đó làm tôi ân hận tới giờ vẫn chưa quên. Cơm đáy nồi hơi già lửa, ngoại rưới nước bóp rời, rải ra nia phơi khô cất vào giỏ đệm treo cạnh giàn bếp để dành. Kể ra như vậy, tôi càng cảm nhận tính ngoại rất cần kiệm, không bao giờ lãng phí hột gạo cho dù lúa trong bồ đầy ắp. Những đêm thức chờ các cậu đi soi cá, cắm câu về, ngoại xúc tô cơm khô rang với đường cho anh em chúng tôi ăn. Nhai thong thả để nghe được tiếng giòn cốm hòa cùng vị thơm ngọt cơm đường như tẩm mật. Giống tính ngoại, mẹ tôi cũng rất tằn tiện. Cơm nguội thì hấp lại hoặc chiên mỡ cho các con ăn sáng chắc bụng trước khi đến lớp. Qua nhiều năm sau này lớn khôn, kỷ niệm đó vãn còn sống trọn vẹn trong ký ức, trong tâm hồn anh em chúng tôi. Hời nhỏ, có lần được mẹ hứa dẫn đi Sài Gòn thăm ba, tôi rất mừng nên đêm đó cứ trằn trọc mãi. Mẹ dậy sớm chuẩn bị xong xuôi mới đánh thức tôi cùng ra bến xe, thời ấy có đâu chừng bốn, năm chiếc thôi. Bóng đèn vàng quạch trong xe soi những khuôn mặt lộ vẻ sốt ruột bởi chú lơ è ạch quay ma-ni-ven cả chục lần…hết cơm trong bụng, máy mới chịu nổ. Tôi thiu thiu ngủ tới Cần Giuộc thì tỉnh giấc và kêu đói bụng. Mẹ tôi mở giỏ xách lấy ra gói lá chuối bọc cơm nắm với ít tôm rang mặn. Mẹ trìu mến nhìn tôi, đứa con háu đói ăn ngon lành cùng hơi ấm nắm cơm còn đó, miếng lá chuối thì mềm tái đi như sự chịu đựng, đùm bọc không vơi của người mẹ. Điều ấp ủ từ gói cơm nắm ấy về sau tôi mới hiểu, mà có khi cả đời vẫn không đền đáp được. Mẹ già đâu có sống đời với con!
Lớn lên lập gia đình ở riêng, ký ức nếp sống ngày xưa thỉnh thoảng lại quay về tâm tưởng. Những lúc bị cúp điện cả ngày, các con tôi hí hửng vì sẽ được ăn cơm nấu bằng…lửa củi. Chắc mẫm là ý chúng muốn dặn thêm "Ba nấu thay mẹ để tụi con có…cơm cháy ăn!". Không ai nói ra, nhưng mấy đứa nhỏ thừa biết rằng tôi cũng có sở thích giống hệt. Cơm nấu hơi khô một chút, để than đượm, chừng nghe mùi thơm bốc lên thì nhấc nồi xuống. Ăn lưng lững bụng, tôi dùng đũa bếp lấy gọn khoanh cơm cháy vàng thơm tròn như vầng trăng mười sáu, lật úp vào dĩa rồi rưới mỡ, tóp mỡ lên trên. Mấy cha con dùng tay bẻ từng miếng cơm cháy âm ấm, rắc chút muối tiêu hoặc nước mắm ngon tùy khẩu vị, cùng nhai rau ráu tận hưởng niềm thú vị rất đổi bình dân thấm vào cả ngũ quan. Mẹ chúng đùa "Ăn cơm cháy thì khỏi…về Tàu!". Thằng con út tay dính mỡ, miệng nhồm nhoàm trả lời "Cho con ăn hoài cũng được, vì con là người Việt chính tông mà mẹ!". Cả nhà cùng cười, vui biết mấy!
Trời lạnh mau xót ruột, nhất là vào đêm mưa. Những lúc như vậy, vợ tôi thử "đặt vấn đề" nấu nồi cháo trắng thì ai cũng hoan nghênh. Thức ăn kèm theo không kén: vài khứa cá lóc, cá ngừ hoặc chén tép rang sả bữa chiều còn lại. Tất cả cho vào ơ đất cùng nước mắm xâm xấp, tiêu bột…kho lửa riu riu tới khi quéo rặt, nổi muối lách tách thơm lừng, thêm muỗng tóp mỡ là xong "sản phẩm". Nhìn những người thân yêu trong gia đình quây quần bên nồi cháo nóng, goài trời thì mưa lâm râm, có lẽ ai cũng có cảm giác êm đềm, ấm cúng ngập lòng như tôi…

Trong bữa cơm gia đình họp mặt đầy đủ, thể hiện rất rõ nếp nhà hòa thuận, chăm sóc lẫn nhau. Và từ lúa gạo, hạt ngọc- thực thấm đẫm tình đất, tình người, cội nguồn của tình yêu quê hương; mấy ai không khỏi chạnh lòng khi nhớ lại câu "Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần". hoặc bâng khuâng với giọng ngâm nga "…Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà…" bên khu nhà trọ người-của-bốn-phương khi trời vừa nhạt nắng!
NGUYỄN KIM
CHA VÀ CON
"…Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò ơ…theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rức mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ…"
(Thơ Sơn Nam)
…Ông già lắt lĩu gánh trên vai, tần ngần đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ, ngó vô. Hai thanh niên mình tràn, quần đùi đang nằm trên giường tán gẫu giật mình nhỗm dậy. Một cậu nhảy vội xuống cầm tay ông già, giọng mừng rở thảng thốt:
- Ba..ba mới lên…Ủa! sao ba tìm được ngay chỗ con hay vậy?
Cậu thanh niên kia đứng lên nhấc cái ghế đẩu thấp, tay phủi bụi, miệng lí nhí chào:
- Dạ thưa bác! Mời bác ngồi nghỉ mệt…Mày không lo giúp bác để đồ chỗ này, nặng gần chết!
Gật gật đầu ra ý cảm ơn bạn con trai mình, ông già xoay người nặng nhọc đặt hai cái giỏ đệm lớn quãy bằng đoạn cây tràm non xuống góc phòng, tay bóp bóp vai, mắt ngó lên trần nhà, nhăn mặt:
- Chà chà…trưa nắng mà nằm trong mái tôn này giống như sắp lớp lò bánh mì. Vậy mà tụi bây sống được, hay thiệt!
Đưa cha ca nước mát, người con trai ngồi bệt bên chân ông, vân vê ống quần nhăn nheo, nhỏ nhẹ:
- Đã con biểu ba đừng lên chi cho cực…Tháng rồi ít việc ít tiền nên con không về, tính tháng sau…
- Biểu biểu thằng cha mày! Nhớ mày chớ bộ nhớ tiền sao? Má mày trông ngóng gần hai tháng trời bặt tăm hơi, bả cằn nhằn thúc tao lên coi mày có thiếu hụt hay bệnh hoạn gì không? Bả hiểu tánh mày từ nhỏ, thằng con trai ương bướng, quen chịu đựng mình ên. Ờ…mà già cả rồi ưa nghĩ mông lung chuyện không hay!
Nhìn quanh gian phòng đơn sơ, chắp vá bằng những mảnh thiếc, bìa giấy cứng…loang lổ ố vàng, góc trống cạnh giường là cái bếp dầu hen gỉ, tô chén ngổn ngang, vung vải bao giấy mì gói; ông già thở dài:
- Chỗ bây ở còn thua…cái chuồng trâu ông nội mày hồi xưa! Má mày thức khuya soạn sành, gói ghém chút đồ đem lên đây, anh em chia sớt nhau ăn lấy cái tình nghen con!
- Dạ…ba gánh gồng chi đủ thứ cho cực. Mà từ bến xe tới đây ba đi bằng gì?
- Tao đi bộ riết cũng tới, bây thấy rồi đó. Thằng cha xe ôm chắc biết tao nhà quê mới lên, nó dụ khị chở hai chục ngàn, tao ngó lơ, nó lẩm bẩm chửi thề, tao giả điếc. Má mày lâu lâu cấy dặm lúa mướn cả ngày, đêm nằm nhức xương nhức cốt cũng được nhiêu đó thôi. Già làm công rẻ mà con!
Người con trai dụi dụi mắt, im lặng ngó xuống soạn hai giỏ đồ. Ông già chỉ vào từng món, hứng khởi giải thích:
- Nè…mớ khô cá lóc, cá sặt coi nhỏ chớ phơi đặng nắng ngon lắm nghen con! Ba hủ mắm tép tao vó từng mớ, má mày làm trước sau có xé lá chuối khô ghi dấu cho biết cũ mới, liệu mà ăn. Ờ…ba đem lên năm ký sơ ri, quãy gánh tới đầu hẻm khu nhà trọ có mấy đứa con gái chắc cũng làm công ty xúm lại bao vây. Tụi nó biết rành mày, có đứa nhí nhảnh kêu tao bằng tía, đòi về quê làm dâu! Mày ở đây lâu chắc cũng vàng trời, ba cấm bậy bạ nghen con. Thấy thương thương, ba hốt cho phân nửa bịch sơ ri. Có con nhỏ kẹp tóc hỏi thăm, đòi ba kể chuyện ruộng vườn, đồng áng, nghe ba nói đôi câu, tay nó bụm mớ sơ ri mà..mít ướt, nước mắt chảy dài trên má…tội nghiệp quá chừng! Thiệt tình ba từng tuổi này mà phải ráng dằn lòng…
Cậu bạn đứng lên giường kiễng chân gọi nhỏ qua phòng bên rồi trở xuống bỏ nhúm trà vô ly, chế nước sôi réo từ cái ấm nhôm đen thui vào, hai tay bưng lại chỗ ông già, ngượng nghịu nói:
- Dạ…bác uống trà cho khỏe!
Vơ tờ báo quạt phành phạch, ông già cười, đuôi mắt nheo nheo thân thiện:
- Cảm ơn cháu…à…quê cháu đâu? cha mẹ còn khỏe không vậy?
Một thoáng như lúng túng, cậu bạn ngập ngừng:
- Dạ…cháu quê Đồng Tháp, ba cháu mất vừa giáp năm. Xin phép bác, cháu ra ngoài chút!
Chần chừ ngoái nhìn lưng áo bạc thếch mồ hôi của cha bạn, cậu ta khép nhẹ cửa ngồi ở bậc thềm. Người con trai ôm vai, ghé sát tai cha:
- Nó ở Xẻo Quít đồng nước mênh mông, nhà nghèo xơ xác…Có đứa em gái vừa bỏ học nên nó buồn lắm, ba đừng hỏi thêm…
- Ờ thôi…Lúc vô đây ba thấy mấy con diều vướng dây điện vật vã nhào lộn coi não nề quá. Mùa này dưới mình, tụi nhỏ ra đồng đánh trổng, thả diều mịt trời. Ai đời đánh trổng hoài, ông trời làm sao sa mưa cho được? ba rầy hoài hổng chịu nghe, bỏ luôn!
- Quên, má khỏe hôn ba?
- Chà…nãy giờ đợi mày hỏi! Tao tính không nói, bả đi đám giỗ về ngang rào ông Sáu-câu-rê vướng nhánh tre gai de ra đường té sưng đầu gối, đắp muối nay bớt rồi, mày chớ lo. Bả tiếc cái khăn đội đầu mày mua cho hồi trong năm giờ bị rách, nằm than thở cả đêm. Tao giận, khuya sớm xách rựa ra chặt tỉa gần nửa bụi tre cho hả. Cha Sáu cự nự tao một chập, chiều đem mớ cá trắng xào sả qua nhậu, huề! Ờ, tụi con làm công ty đây êm không?
Ánh mắt người con trai lắng đọng, man mác, rồi ngước nhìn cha khẽ cười gượng gạo:
- Dạ êm…mà sắp tới con tính xin việc chỗ khác, lương khá hơn. Với lại…
Cầm chặt tay con, ông già giọng nghèn nghẹn:
- Mày đừng giấu ba…Tao hỏi dò mấy đứa đầu hẻm biết công ty mày giải thể rồi. Tụi bây thất nghiệp nằm chèo queo cả tuần nay, phải không? Nói!
Cậu bạn dợm bước vô, nghe loáng thoáng câu chuyện hai cha con, rụt rè thối lui. Người con trai ngó vô vách, giọng rầu rầu:
- Nghỉ chỗ này thì con xin làm chỗ khác…Ba má thương, nhưng thiệt bụng con hổng muốn về quê. Bao nhiêu năm nay có thay đổi gì đâu ba?
Chậm rải quơ hai cái giỏ đệm trống không bó vào đoạn tràm, ông già chống gối đứng lên, giọng ráo hoảnh:

- Trai tráng bây giờ ăn học cao, nhưng suy nghĩ khác thời ba nhiều, nhiều lắm. Ba không chấp nhặt, nhớ một điều ba muốn nhắc con rằng có những thứ thay đổi mà ba mày, má mày, tất thảy bà con làng xóm mình hổng ai ham, hổng ai cần. Con nằm đêm mà ôn lại, nghĩ lại lời ba, vậy thôi. Giờ ba phải về cho kịp xe, má mày trông đứng trông ngồi…Coi khó khăn quá thì về liền nghen con!
Nói vài lời chân tình an ủi cậu bạn con mình xong, ông già ra cửa, vói lại một câu:
- Ba kẹp hai trăm ngàn trong gói chuối khô, để dành ăn tiện tặn…
Người con trai đứng nhìn theo cha, đôi bàn chân trần lam lũ dẫm trên đường nhếch nhác. Cậu bạn ngồi lặng lẽ trên giường, đôi mắt đỏ hoe…
…Những nhát cuốc lật đoạn liếp đến cuối bờ vừa xong, ông già mệt nhọc rã rời, buông cuốc ngồi bệt. Nghĩ một lúc lại sức, ông tặc lưỡi nhặt nhạnh những ánh gừng đầy đặn chưa tới lứa cho vô bao. Chẳng đáng gì, nhưng bỏ lại thì nay mai người ta cũng tới xới tung lên, rồi đầm nện, rồi xây dựng, tội cho đám gừng non nớt. Bần thần nhìn mảnh ruộng vuông vức đẹp mắt, quen thuộc từng chỗ bùn, chỗ cạn, ông thắm thía nỗi buồn chia biệt đất đai cồn cào gan ruột. Mấy tháng nay cả xóm ấp này đôn đáo loay hoay, thấp thỏm họp hành, bàn tán quanh dự án khu công nghiệp đã triển khai. Rồi thì giải thích, đo đạc, biên bản chung, ký tên từng hộ chấp nhận đền bù; mọi việc coi như xong. Nghe nói có địa phương tỉnh bạn còn thu hồi cả vùng ruộng đât màu mỡ cận quốc lộ để làm sân gôn, sân banh cho người nhiều tiền vô chơi giải trí, đây coi bộ còn đỡ xót xa lấn cấn hơn. Giờ ruộng bỏ cỏ mọc đầy chẳng ai tới lui làm chi, phần đông nhăm nhe số tiền đền bù để tính toán chuyện cất nhà, sắm xe máy, truyền hình màu…Những người lớn tuổi thì dàu dàu nét mặt, lo mai này sống sao đây khi cây rơm, bồ lúa…căn bản gốc quê đã mất? Cũng có chương trình hướng dẫn chuyển đổi, dạy nghề mới, nhưng so với cái thiệt thòi của người nông dân thì đố ai bù đắp tương xứng được? Đành vậy thôi, thời đại tiến bộ công nghiệp mà! Ông già nhẫm tính, hai mươi sào ruộng của mình được tám chục triệu, nó là nhiều hay ít đây? Miệng mồm khô khốc, ông nhai nhai đọt cỏ đắng chát, thở ra "Không khéo xáo trộn lắm chớ hổng chơi!". Chợt nhớ, ông lần túi áo bà ba lấy tờ thơ thằng con trai gởi hồi tháng rồi ra coi lại. Mừng cho nó có việc làm ở một công ty lắp ráp hàng điện tử tận Bình Dương, thôi cũng tốt rồi. Ông chịu đoạn này "…ngày nghỉ con học thêm chuyên môn cho giỏi hoặc tới các trại cây giống, nhà vườn tìm hiểu kinh nghiệm về đất đai, trồng trọt. Biết đâu chừng sau này là lợi ích cho mình. Con mới biết một giống tre tàu mới, dễ trồng, năng suất cao, đặc biệt là không kén đất. Mai mốt nghỉ lễ con đem ít cây giống về, ba thấy là ưng bụng liền…". Thằng còn tiềm tàng máu nông dân như ông cha, vậy được! Mặt sau thơ, nó viết thêm "Con nhỏ kẹp tóc ba cho sơ ri lần lên con, giờ làm ở Khu chế xuất Tân Thuận, tụi con liên lạc thường và…khá thân nhau. Chừng tết con về thăm ba má, chắc có nó cùng đi cho biết quê mình…".
Ông già bật cười, lòng cảm thấy dễ chịu hơn. Nhắc tới cây tre chợt nhớ gần mươi năm trước, dịp đi miệt Bảy Núi thấy tre bạt ngàn xanh thẳm phát ham. Cũng ngộ, khoảng tháng mười trở đi thì lứa tre già đổi màu vàng nhạt, cằn cỗi, rụng lá trơ trụi, chỉa ngọn lên trời rồi…ra bông từng chùm màu đất, cam chịu lụi tàn. Lần đầu tiên ông cảm nhận cụ thể cái vòng đời tre tàn măng mọc, sự tiếp nối mạnh mẻ như những đời người, những thế hệ. Dõi mắt bao quát một vùng đất rộng chạy dài tới rặng cây mé sông, tương lai sẽ là cầu cảng, ông mường tựong đến viễn cảnh nhộn nhịp, kinh tế sáng sủa hơn. Nhà còn miếng vườn với vài chục cây dừa lão ít trái, đợi con trai về cùng bàn chỉnh đốn, sửa sang lại cho ổn định rồi lựa thế đặt cái nò mé rạch…
Thôi, mình tâm niệm vì cái chung và biết tính toán căn cơ, liệu cơm gắp mắm, không đua đòi…, có lẽ cuộc sống thanh thản hơn, ông già nghĩ vậy. Trời về chiều, từng đàn chim nhịp nhàng bay theo nhóm hình rẻ quạt như giục ông đứng lên. Cột chặt bao gừng vào cán cuốc, ông quãy lên vai, bước đi vững chải.
Ở xa xa, thấp thoáng bóng người phất phất khăn ra hiệu, làn khói bếp mờ nhạt lững lờ theo gió. Không dừng chân, ông già che mắt nhìn, miệng bỗng cười bâng quơ…

NGUYỄN KIM
Theo http://vietmessenger.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình

"Nhớ sông" của Huỳnh Văn Quốc: Bởi chính mình và cho chính mình Tôi đọc tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi l...