Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Lang thang bờ bắc sông quê...

Lang thang bờ bắc sông quê...
Ba con thuyền máy nhỏ bé dập dềnh lướt trên sông mùa cạn. Nước bắn lên tung tóe. Bản đồ hải hành được mở ra ngay giữa khoang thuyền vẫn không thấy được gì ngoài dòng sông mênh mông và người lái đò trầm lặng. Đoàn người lần đầu xuôi sông không biết đâu làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà hay chiếu An Phước… sau những hàng tre, vườn cây che kín bờ sông. Khách chỉ có thể thấy những mái nhà ngói lô nhô nơi đất liền, ven các chi lưu của sông mẹ Thu Bồn...
Đất trăm nghề
Xe bus rời trung tâm thị trấn Vĩnh Điện, bỏ lại sau lưng cơn gió nóng thổi qua phố đầy tiếng ồn tới tháp cổ Bằng An. Đoàn khảo sát dừng chân trước tháp Chăm duy nhất hình Linga còn khá nguyên vẹn ở Việt Nam. Nhưng chỉ 15 phút, thời gian có đủ cho họ chiêm ngưỡng hay ngậm ngùi trước khu di tích cỏ mọc um tùm, trầm mặc, hoang lạnh, để rồi vội vã quay về Điện Phương theo lịch trình định sẵn của những người tổ chức? 
Trên con đường 3km theo quốc lộ 1A, nơi “cánh đồng” mơ tưởng Điện Phương phía bờ bắc sông Thu ấy, có dinh trấn Thanh Chiêm, làng tuồng xưa An Quán và làng nghề dài hơn mấy trăm tuổi như những ngón tay buông dài, vắt qua đồng bãi, sông, phố. Cửa phường đúc Phước Kiều rộng mở, bày la liệt sản phẩm làng nghề. Tiếng thẩm âm chuông, chiêng rộn ràng ở gian trái. Khách ngạc nhiên, trố mắt trước một cô gái ẩn đôi mắt sau vuông vải nhẹ nhàng đẩy ống thụt lò bễ rèn đượm lửa. “Sử gia làng” Dương Ngọc Tiển nói vắn tắt rằng ống thụt lửa lò kia còn sót lại của làng nghề 400 năm qua là sự khác biệt. Người làng có thể dễ dàng dùng những bễ khò “hiện đại” nhóm lửa đúc đồng, nhưng tại khu bảo tàng làng đúc vẫn giữ nguyên vốn cũ. 
Thời gian ở đất trăm nghề dường như trôi chậm. Thế giới ấy, những đứa trẻ Phước Kiều cất tiếng khóc chào đời cùng tiếng lách tách của lò đúc đồng, rồi thân phận cũng như chuông, ché kia… chịu “hỏa biến” trong lò đúc cùng âm thanh rì rầm lấy tiếng nhạc cụ dân gian kia. Nơi ấy, các cô gái lớn dần lên. Những buổi chiều đi qua ngôi nhà có hàng chè tàu, cây trái bám đầy bụi đất. Gió từ con lạch nước thổi bay đi những nhọc nhằn, chỉ còn lại tiếng cười sau một ngày phụ chồng làm nghề. Và chỉ bước qua con đường cái quan dăm phút đã thấy những người đàn ông biến súc gỗ vô hồn thành tác phẩm nghệ thuật của nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, hay biến đất đá vô tri thành thiếu nữ và những bức tranh đầy nghệ thuật của gốm Hạ. 
“Đảo” nhỏ và miền hoài niệm
Nửa tiếng đồng hồ ở xưởng mỹ nghệ Âu Lạc (Cẩm Phú, Điện Phong) đủ để khách nhận lấy sự lạ lẫm của câu chuyện “viết ca dao bằng gỗ” từ những nghệ nhân trẻ tuổi. Nhiều người sững sờ trước “bức tranh” Phật Bà nghìn tay nghìn mắt dang dở, những tấm phù điêu gỗ hay tranh hoa trái đồng quê bày khắp xưởng mộc làng nghề. Anh Phạm Đình Hoàng, Phó Giám đốc Vitour Đà Nẵng buông một tiếng “Tuyệt”, rồi tiếc rẻ: “Đường sá xa xôi quá, nếu không chúng tôi sẵn sàng mở tour cho khách đến!”.
Vừa thưởng thức vị ngọt, mềm, cay cay ớt xanh của món bê thui Cầu Mống nơi quán Mười bữa trưa, cả đoàn khảo sát lại hối hả qua phía bờ nam sông, xuống đò, sang “đảo nhỏ” Triêm Tây. Ba con thuyền máy nhỏ bé dập dềnh lướt trên sông mùa cạn. Nước bắn lên tung tóe. Bản đồ hải hành được mở ra ngay giữa khoang thuyền vẫn không thấy được gì ngoài dòng sông mênh mông và người lái đò trầm lặng. Đoàn người lần đầu xuôi sông không biết đâu làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà hay chiếu An Phước… sau những hàng tre, vườn cây che kín bờ sông. Khách chỉ có thể thấy những mái nhà ngói lô nhô nơi đất liền, ven các chi lưu của sông mẹ Thu Bồn.
Tiếng nói cười và gió rớt lại phía sau đuôi thuyền sóng vỗ. Chừng 30 phút đã nhìn thấy những biền bắp lơ thơ, hàng tre rợp bóng, vạn đò be bé, người đánh cá, vài căn nhà gỗ dựng bên mép sông trên đảo… Quả đúng như những gì ông chủ làng Bùi Kiến Quốc nói “Đừng chậm trễ trước một chiến tranh văn hóa”, món hàng mà khu sinh thái này đưa ra chính là một ngôi làng Việt xa xưa còn sót lại. Trên khu đất ven sông ở Triêm Tây ấy, có ngôi chợ quê với một hàng rau quả, vài hàng trái cây, ít gian bắp nướng và một gánh đậu hũ bày trước một bar thơm mùi gỗ mới. Ở đó có những căn nhà gỗ nhỏ, con đường đầy bóng tre soi mình trên những con đường đầy bụi đất. Ai đó ngâm nga những câu thơ trong bài “Đi giữa đường thơm” của Huy Cận:  “Một buổi trưa không biết ở thời nào/ Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao/ Có cu gáy và bướm vàng nữa chứ/ Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự” rồi bật cười khanh khách giữa tiếng gió rì rào thổi qua những hàng cây nghiêng ngả dọc đường.
Nắng tắt. Người đi vẫn ngoái lại nhìn làng cho đến khi âm thanh của xe cộ dọc đường bất ngờ mất hút sau cổng tam quan cũ và hàng trúc lơ thơ dọc lối vào “bảo tàng” nhà cổ. Ở đó, in hằn dấu vết  tài hoa, mỹ cảm của thợ Mỹ Xuyên (Huế), Kim Bồng, Văn Hà (Quảng Nam) theo thời gian. Và sẽ gặp, tìm thấy các giá trị văn hóa lưu giữ, truyền đời, nguồn gốc, gia thế, tư tưởng và quan điểm sống của chủ nhân… qua hoành phi, câu đối giữa những căn nhà truyền thống. Cơn mưa nhẹ hạt bất ngờ rơi xuống buổi tiệc đêm. Người cuối cùng rời nhà cổ với dự tính của ông chủ trẻ Vinahouse về nơi chốn hẹn hò, vui ẩm thực dân gian sẽ mở một ngày không xa…
 Theo http://quangnam.vietccr.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...