Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Hoa đào năm cũ

Hoa đào năm cũ
          Nhân diện bất tri hà xứ khứ
          Đào hoa y cựu tiếu Đông phong
Sáng nay, đẩy cánh cửa sổ về phía mặt trời mọc, một cành đào trụi lá vươn ra trước mắt tôi. Tiết Đông-Xuân lạnh sơ khởi nhẹ nhàng, như vậy đủ quý rồi, ở đất này không thể đòi hỏi có mùa Đông. Những cành đào rừng chỉ cần bấy nhiêu đó, đủ để nở những chùm hoa đón Tết. Hơn hai mươi năm, những dấu tích cỏ dại của một thời khai hoang đã mất hút, đã trốn biệt tăm. Chung quanh chùa, vườn cây xum xuê hoa trái, đất phẳng phiu sạch sẽ như thể được lau bằng khăn mặt mỗi buổi sáng. Ai biết vào những năm xưa cũ, trong chốn cỏ cây mịt mù có một cái chùa lá, và một nhúm người đang đào đất, dọn cây, tỉa lúa rừng theo kiểu dân du mục?
Buổi chiều, chúng tôi bưng mỗi người một tô cơm nguội, trên mỗi tô cơm là miếng khô in bằng xác và vỏ đậu nành nướng xém xém và lăn qua một lượt nước tương. Ngồi trên mấy gốc cây cạnh nhà, vừa ăn vừa nhẩn nha tính công việc, ai cũng có thể góp ý kiến theo cách suy nghĩ của mình, không ai khôn hơn ai, nên chỉ làm việc cầu may. Lúc đó, tôi làm tổ trưởng; trong tổ cũng toàn dân khẩn đất hoang, và làm chủ hộ cho mười mấy huynh đệ, đang ăn vội ngừng khi nghe tiếng chú Thanh đạp xe lọc cọc tới gần: - Cô “Dơn”, tối nay ra ấp họp.
Một huynh đệ mời: - Chú Thanh vô uống nước.
Chú Thanh xuề xòa theo kiểu người Hoa, quay xe trở ra, nói: - Thôi, tui phải chạy qua báo bên ông Phú.
- Chú nhắn giùm nhà Hùng - Tài bên suối luôn nghe.
Chú Thanh làm thơ ký kiêm nhân viên thông tin cho bác Hai Phòng, trưởng ấp. Làm việc không có đồng xu lương nào, nhưng mỗi lần có cuộc họp hay thương nghiệp bán vải, bán dầu ... chú đều nhanh nhẹn đạp xe chạy khắp mấy tổ ở xa cho hay. Đương nhiên ở cái chỗ ít ai vào tới như chúng tôi, chú là khách quý được tiếp đón long trọng.
Buổi tối các huynh đệ “thướng lâu”, tức là leo lên cái sàn gác rung rinh, chuẩn bị thời kinh Bát Nhã. Tôi xách cái đèn bão, rủ thêm tiểu Thu đi ra ấp. Mấy nhà ở gần đó, hai ba người lác đác cũng đợi đi cho vui. Con đường ban đêm đầy những đom đóm, mấy lùm bụi cỏ tranh, cỏ lau cao ngất nghểu chen với lũ đom đóm chập chờn, chúng tôi vừa đi vừa nói xì xào, sợ động đến lũ cây rừng đang hóng chuyện. Trụ sở ấp không có; ban ngày có việc gì, dân chạy đến nhà bác Hai, muốn hội họp phải đợi buổi tối, mượn trường học và mượn luôn cái trống làm hiệu lệnh. Họp ban ngày dân ít khi đi đầy đủ vì nhà nào cũng bận công chuyện. Ban đêm mát mẻ, một cây đèn dầu lớn để trên bàn, bác Hai làm chủ tọa, dân ngồi đứng tự do đủ kiểu, thân mật và quen thuộc nhau cả, không cần khách sáo. Có thể bác Hai đang đọc một cái thông báo, một ông đứng gần đó chồm lên cây đèn dầu mồi thuốc, điếu thuốc vấn tay to bự bắt lửa rất lâu, nhưng không cản trở gì đến cuộc họp. Tôi quen với cung cách giản dị này, cũng ngồi hòa với mấy bà mấy thím nghe họ bàn chuyện công cấy công gặt. Chúng tôi thành công dân chính thức của ấp Hai, đi dự họp, đi công tác chung với cả ấp, và thỉnh thoảng xách sổ đi mua đồ thương nghiệp, đàng hoàng an ổn như thế này là nhờ bác Hai Phòng. Nhớ những ngày đầu tiên xuống phá rừng, chúng tôi lớ ngớ giữa khung cảnh xa lạ, phần ỷ y vào mấy câu thơ: Mai sau trời đất thái bình/Vào lưng núi phượng một mình túy ca/Gây giàn thiên lý vàng hoa... (PTT), và phần lo trồng lúa, làm cỏ lúa cho kịp với cỏ rừng, chúng tôi không để ý đến giấy tờ. Cho đến ngày du kích ấp vào xét giấy, mới khám phá ra chúng tôi không có hộ khẩu. Vậy mà cả gan ở trên đất người ta, cất nhà dọn rừng, tỉa lúa ngang nhiên... Du kích báo về ấp, bác Hai đi vô gặp chúng tôi, nheo nheo một con mắt nhìn qua khung cảnh, và nói nhẹ nhàng: - Mấy cô ra nhà, tôi làm giấy tờ hộ khẩu cho, nhớ xin giấy chứng nhận ở chỗ cũ của mình.
Đi ra nhà bác, té ra là cái nhà mà ngày đầu tiên chở đồ xuống, giữa một đống bao bị tay nải, lu hũ soong nồi lỉnh kỉnh, chúng tôi được ngoắc vào cho mượn cái xe đẩy. Và luôn cả những lần sau, lần nào đi chợ tha đồ đạc về xây tổ, chúng tôi đều được bác chủ nhà đôn hậu cho mượn xe, có khi cả xe đạp để thồ đồ. Từ ngoài đường vào đến chùa, qua hai cái dốc, con đường mòn mấp mô dấu xe bò, có đi và có xách nặng mới biết ơn chiếc xe mộc mạc, sẵn lòng cho mình chất đồ lên đó, lôi kéo kiểu gì cũng được, miễn là nhích từ từ trên đoạn đường xa. Ở yên trong mấy tháng đầu để xây dựng cơ ngơi, vừa mơ mộng vừa làm việc, chúng tôi cũng không biết mình đã mang ơn bác Trưởng ấp. Sau này bác mới nói: - Tôi biết mấy cô vô dọn rừng, nên nói anh em du kích từ từ xét giấy, không thôi dễ gì mấy cô ở yên.
Mảnh đất mà chúng tôi cắm dùi nằm trên địa bàn ấp Hai, hồi xưa nổi tiếng một thời địa danh “Quán Chim”, xe từ Vũng Tàu về ít ai dám qua sau 4-5 giờ chiều. Dân địa phương, ban ngày là những thanh niên mộc mạc, đánh xe bò bình dị chở củi chở than, đêm tới tay nắm súng bảo vệ rừng. Danh từ “Du kích” chỉ là kỷ niệm của thời chiến tranh, họ quen dùng với một niềm tự hào. Dĩ nhiên họ biết rõ khu rừng chúng tôi đang khai phá và biết rõ về chúng tôi. Sau đợt xét giấy đó, chúng tôi được cấp hộ khẩu và mới biết bác là trưởng ấp, chú ba Chình là công an ấp... , những điều mà đáng lẽ một người dân mới đến phải biết trước tiên. Người ta nói an cư rồi mới lạc nghiệp thiệt đúng. Chúng tôi tin tưởng vào bác trưởng ấp nhân hậu, mọi thứ chuyện rắc rối về giấy tờ đều chạy đến bác, giải quyết xong về cầm cây cuốc tiếp tục. Đi chợ hay đẩy xe xay lúa đường xa, ghé vô nhà bác kiếm miếng nước uống, tìm cây búa đóng lại cây đinh guốc sút sổ. Nhà bác chỉ có hai vợ chồng già, một mảnh sân vườn cây lơ thơ, nhưng lúc nào cũng ấm áp đối với bà con trong xóm, nhất là với những hộ mới đến.
Một hai năm đầu, ban tri viên trồng vài thứ bông vạn thọ, mồng gà hoặc sao nháy để làm vui khung cảnh sân viện, để mấy ông thợ rừng ít ra cũng biết đây là chùa ni cô, nhưng vẫn còn thấy thiếu một thứ gì đó, đặc biệt vào những ngày cuối năm. Rồi một bữa, Diệu Tánh đạp xe đi đâu về, chị Hạnh Thanh ngồi sau lưng, tay cầm một nhánh đào rừng đầy nụ. Chị Thanh bình thường làm việc rất ngầu, hôm đó lại cười thật tươi, chỉ thua cành đào trên tay chút xíu. Cả chúng ùa ra đón, khen sáng kiến của chị. Chẳng là vài hôm nữa Tết tới, phải có cành mai hay cành đào mới báo được tin Xuân. Không có cái bình tương xứng nên xách đại cái thùng nước hai chục lít để chưng bông. Cành đào to rộng, trải những nhánh hoa dày đặc làm sáng trưng cả nhà. Sau Tết, chị Thanh ra nhà bác Hai xin về một nhánh cây đào mập mạnh, chị chặt ra từng khúc, ghim thành hàng dọc theo đường đi. Ban đầu chúng tôi e ngại chúng sống không nổi. Hồi trước, Hạnh Giải có trồng mấy bụi cúc vàng, chắt chiu chăm bón mà vì rễ cây rừng lấn quá, chúng tiu nghỉu thấy tội nghiệp, sau đó phải thế bằng mấy thứ hoa mạnh dạn hơn. Còn trồng kiểu như ghim hom mì thế này, hai ba ngày tưới sơ miếng nước! Nhưng cây đã bén rễ nhanh, đâm chồi và lớn mạnh sởn sơ. Và khi đợt hoa đầu tiên của chúng nở rộ, huynh đệ trong viện mừng rỡ, người này nói với người kia: - Cây đào nhà mình nở bông rồi.
Câu nói được chuyền đi chuyền lại, làm như không nói chịu không được. Sáng sớm, trước khi vác cuốc ra ruộng, cả đám còn nấn ná bên mấy gốc đào. Chiều về ngắm nó từ xa, những chùm bông khỏe mạnh chen lẫn trong cây rừng, hình như ai cũng vui vì có một thứ cây mọc với rừng mà được thuần dưỡng bởi tay người.
Chúng tôi thay đợt nhà đầu tiên, có một cái gác bảnh bao hơn, tuy vẫn là vách đất mái tôn. Đã có thêm nhiều hộ dân đến lập nghiệp, “chọn nơi này làm quê hương... dẫu khó thương”. Những đống lửa dọn rẫy ban đêm bập bùng xa xa, dù cho miền đất này không trù phú lắm nhưng vẫn là chỗ tựa cho những gia đình cần cù. Đông người mới, tình hình phức tạp, phải vừa mở rộng đất canh tác cho ấp, vừa canh chừng an ninh trong dân, bác Hai vẫn chân tình đối với hết thảy, như một già làng thương cư dân của mình. Cảm tấm lòng của bác, chú Huỳnh Tần làm bài thơ cho chúng tôi xem: ...Lúc dân cần, nửa đêm bác dậy/ Ký giấy tờ mộc lận bên lưng/ Không nề gian khổ khó khăn/ Sao cho dân được dễ dàng, bác vui...
Hình ảnh người trưởng ấp mộc lận lưng rất sống động; mà thiệt, bác hay bị mọi người chặn lại xin chữ ký giữa đường, vì cái ấp mênh mông quá, có khi tìm bác không ra.
Cây đào hiện nay của viện thuộc hàng cháu chắt mấy đời của cây đầu tiên. Mỗi lần nới rộng sân nhà, chúng tôi lại trồng kèm thêm ít cây đào. Bác Hai vắng bóng; sau khi nghỉ việc, bác về Hà Nội và mất ngoài ấy, chúng tôi không có dịp thắp nén hương cầu nguyện, đưa tiễn. Hoa đào mỗi năm vẫn đúng hẹn, và như trong bài thơ của Thôi Hộ, nó hay gợi lại hình ảnh cố nhân. Cố nhân ở đây không phải là người đẹp có gương mặt hoa đào, mà là một ông già trưởng ấp đầu tiên của chúng tôi.
Như Đức
Theo http://vienchieu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...