Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Mùa xuân đi đâu

Mùa xuân đi đâu
Đến một tuổi nào đó, người ta thấy mùa Xuân thấy Tết tới mà trong lòng không còn mừng vui rộn ràng, trái lại chỉ thấy đủ thứ lo âu bận bịu để sắm sửa cho ba ngày Tết. Đó là lúc “Mới biết xuân xưa vừa mất hút. Mặn mà giọt lệ ướt viền môi...” Tuổi thơ qua, mùa Xuân đời người cũng qua. Hồi còn nhỏ được chút đỉnh tiền lì xì, đi ngang mấy đám bầu cua cá cọp, biết là không chắc ăn lắm nhưng vẫn cứ nhào vô. Đặt tiền dè dặt, rút trong túi đồng tiền mới tinh mà lòng còn thấy tiếc, hồi hộp nhìn theo tay nhà cái lúc mở cái tô có mấy con ở trong. Một lần được hai ba lần thua, trò vui không có gì đặc biệt mà vẫn mê, lúc đó đâu biết trời đất gì chung quanh. Ba má kêu năm lần bảy lượt mới chịu về nhà. Kinh Pháp Hoa nói về nhà lửa chắc cũng vậy. Ông Trưởng giả thấy đám con mình chạy nhảy vui chơi trong cái nhà gần sập, lửa cháy một bên mà không cách chi kêu nó ra cho được. Phải tìm một trò chơi khác ở ngoài cửa, lúc đó mới dụ dẫn đám con chạy ra.
Rời bỏ trò chơi thế gian, chúng ta ở trong một trò chơi khác, một phương tiện lập bày của Phật. Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Ta xem địa vị vương hầu như bụi qua khe cửa, xem vàng ngọc quý báu như ngói gạch, xem y phục lụa là như vải rách, xem thế giới Đại thiên như một hạt cải, xem nước ao A-nậu (Anavatapta) như dầu xoa chân, xem các môn phương tiện như đống châu báu hóa hiện, xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy lụa vàng, xem Phật đạo như hoa đốm trước mắt...” Bản kinh này, những người xuất gia sơ cơ đều có học, đem ra đây suy gẫm nhân nói về trò chơi trẻ con, vẫn thấy lý thú. Hình như con nít bây giờ đâu còn mê những thứ cũ xưa, chúng có những thú vui hiện đại, hấp dẫn quên ăn quên ngủ, muốn dắt dẫn được chúng phải là một game thủ siêu quần. Tất cả được diễn ra trên màn hình vi tính, như một màn ảo hóa. Phật, Bồ Tát tùy theo sự ưa muốn của chúng sanh mà đem cho tùy theo căn cơ thời đại, chúng sanh thời này mê vi tính nên chắc các ngài cũng thâm nhập thế giới @.
Ngoài ra những tiêu chuẩn trên đây cũng rất đáng kể. Địa vị chức tước, ai cũng mong cầu, với Phật thì chỉ như bụi bặm lăng xăng. Y phục lụa là, thời trang xum xuê cũng là vấn đề nổi cộm, Phật lại ví như vải rách. Mấy người thích đi du lịch, thăm viếng hết năm châu bốn bể, chinh phục núi cao, lặn xuống biển sâu, với đức Phật những thứ ấy là chuyện nhỏ. Nhìn thế gian thấy tận tâm can, vượt qua hết những điều đáng nói nhất thì chắc phải là bậc tu hành ghê gớm.
Bước vào đạo, thử xem được gì? Thiền sư Hy Thiên vốn là đệ tử Lục Tổ Huệ Năng, sau khi Tổ nhập diệt, Ngài tìm tới sư huynh là Thiền sư Hành Tư. Ngài Hành Tư hỏi:
- Ngươi từ đâu đến?
- Từ Tào Khê đến.
- Ngươi được cái gì từ Tào Khê?
- Trước khi đến Tào Khê thì tôi thiếu cái gì?
- Vậy thì ngươi cần gì đến Tào Khê?
- Nếu không đến Tào Khê thì sao biết cái gì cũng không thiếu!
Biết mình có sẵn đủ, nhưng cũng phải nhờ thiện hữu tri thức khai thị mới nhận ra, đó là ý của câu chuyện. Phật sau khi quán các pháp thế gian đều hư huyễn, thì quán các pháp xuất thế cũng như mộng: “Xem pháp vô thượng thừa như mộng thấy lụa vàng, xem Phật đạo như hoa đốm...” đem hết phương tiện để dắt lũ con ham chơi ra khỏi chỗ nguy hiểm, dù có đến được Niết-bàn thì cũng như trò đùa, vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Dù biết cuộc đời như mộng, chúng ta vẫn thích giấc mộng đẹp. Trong một năm mùa xuân là mùa đẹp nhất. Ở phương Nam này, những tháng gần Tết được xem như mùa xuân. Khí trời mát mẻ dễ chịu, buổi sáng hơi lạnh để có thể diện thêm chiếc áo khoác, buổi chiều gió rủ rê những con diều, một thời những cánh diều cuối năm bay nhàn nhã ngoài đồng ruộng. Người ta bỗng thấy muốn đi chơi đâu đó, muốn đi chỉ vì nắng trong vàng thúc dục, hay chút hơi lạnh gởi xuống từ trời xa. Một nhà hiền triết Trung Hoa, thấy trời xuân có chút tuyết rơi đẹp, nảy ý định đi thăm người bạn. Ông đi mất cả ngày mới tới nơi, nhưng vừa tới cửa nhà bạn đã quay về, thậm chí không cần gặp bạn. Thiệt là thích thú khi sống cuộc đời như thế.
Càng gần đến cuối năm không khí Tết càng rộn ràng thúc hối. Người ta đi suốt ngày ngoài đường, mua bán giao dịch, sắm sửa chọn lựa vì Tết. Ngay cả ăn trộm cũng gia tăng để kiếm tiền xài Tết. Chợ búa lúc nào cũng đầy ắp người, làm như nếu không mua sắm thì không ra vẻ Tết. Tất bật cho đến ngày cuối năm, sau buổi chợ trưa 30 thì đột nhiên tất cả đều vắng hoe. Người ta, hàng hóa, xe cộ đồng loạt biến mất. Cả năm chỉ có không khí chiều 30 Tết là lạ lùng như thế. Dường như có một cỗ xe chở hết tất cả vui vẻ tấp nập, nôn nóng chờ đón, trời đất xênh xang đem đi cất một nơi nào đó, để đến sang năm đợi khi Xuân đến, lại chở về trả cho nhân gian. Bắt đầu từ cuối tháng mười, một chút lạnh... hoa mai, hoa đào...
Như Đức
Theo http://vienchieu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...