Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Cộng hưởng âm dương trong Trăng mùa hạ của Nguyễn Đức Phú Thọ

Cộng hưởng âm dương trong Trăng mùa hạ 
của Nguyễn Đức Phú Thọ
Có lẽ muôn đời trăng vẫn là người tình son sắc thủy chung của nghệ thuật. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ánh trăng luôn là nguồn cảm hứng hàng đầu cho thi văn nhạc sĩ. Trăng đã nuôi dưỡng, thăng hoa biết bao mộng mơ nghệ thuật. Nguyễn Đức Phú Thọ cũng không thể cưỡng lại sự quyến rũ đầy si mê của nàng trăng nên đã vô tình (hay hữu ý) góp phần làm giàu thêm kho trời chung của nhân loại, bằng cách riêng đầy mộng tưởng:
Trăng mùa hạ
Cho N.
Dưới ánh trăng mùa hạ
Em soi bầu ngực vào gương, nước sông chảy theo đêm lênh láng, hương cau trôi ngần ngật trước thềm
Mẹ bảo: Nhúm cau như nhúm ngực, trai làng chẳng biết cau thơm
Cha lên phố mẹ mòn trông tháng ngày đằng đẵng…
Dưới ánh trăng mùa hạ
Đom đóm về thắp lửa ven sông, hoa dâm bụt thắp đèn lồng trước cửa
       Đêm đồng nội thắp một cơn mưa nhỏ
       Những gái quê tắm mùa hạ chưa chồng
       Đuổi theo trăng
       Trăng tan vào mênh mông…
Nhan đề bài thơ như một điểm nhấn đầy sức gợi. Trăng Sài Gòn khác gì trăng Hà Nội? Trăng trời tây khác gì trăng phương đông? Trăng trong đêm thề nguyền giữa Romeo và Juliet khác gì trăng trong đêm hẹn ước giao tình Kim Trọng - Thúy Kiều?… Khác, khác rất nhiều, và nhờ sự khác biệt đó mà mỗi ánh trăng vẫn sống bằng những thứ ánh sáng khác nhau. Song ở đây, ba tiếng giản dị Trăng mùa hạ lại khiến không ít ngời bối rối. Trăng mùa hạ là trăng vào mùa hạ hay là trăng và mùa hạ? Nếu là trăng vào mùa hạ thì có trăng vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân nữa. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa ánh trăng mùa hè trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Dưới trăng quyên đã gọi hè / Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông và trái trăng thu chín mõm mòm trong thơ nữ sĩ họ Hồ. Sự sai khác ấy không chỉ là độ vênh của cảm xúc cá tính mà nó xuất phát từ sự vận động của con tạo xoay vần: xuân xanh, hạ trắng, thu vàng. đông tím... Còn nếu được hiểu là trăng và mùa hạ thì ở đây đồng hiện tức thời hai thực thể như sự sắp xếp ngẫu nhiên của tạo hóa trong vũ trụ này. Cách nói của Nguyễn Đức Phú Thọ có sự mơ hồ, sự xuống cấp về mặt cấu trúc ngữ pháp nhưng đồng thời là sự lên ngôi của thi tính. Phải chăng đó chính là cái được rất nhiều mơ mộng khi bớt đi một chút rõ ràng như cách nói của Hoài Thanh?
Những mơ mộng ban đầu ấy đã tịnh tiến người đọc tiệm cận tới những chân trời mới. Bài thơ là hai khổ nho nhỏ (gần như hai câu được vắt dòng nhiều lần), đều kết thúc bằng dấu ba chấm (…) đầy tâm trạng, và đều được bắt đầu từ cụm Dưới ánh trăng mùa hạ như là không gian chung đầy diễm ảo, thơ mộng cho sự xuất hiện, giao hòa những mặt, những thực thể đối lập mà thống nhất trong vũ trụ vẹn toàn.
Ở câu thơ thứ nhất:
Dưới ánh trăng mùa hạ
Em soi bầu ngực vào gương, nước sông chảy theo đêm lênh láng, hương cau trôi ngần ngật trước thềm
Mẹ bảo: Nhúm cau như nhúm ngực, trai làng chẳng biết cau thơm
Cha lên phố mẹ mòn trông tháng ngày đằng đẵng…
Dường như có sự đồng nhất giữa Ánh trăng, Em - bầu ngực và Mẹ. Đó như một mô hình tam vị nhất thể trong văn hóa phương Đông. Trăng trong tâm thức cộng đồng Việt nói riêng là bản nguyên âm (chị Hằng Nga), trăng được ví với mẹ. Trăng hiện diện trong tâm thức đa thần giáo là bản nguyên âm của vũ trụ và của con người. Bộ ngực - vú là trung tâm của tái sinh và bao khắc khoải, là phần quan trọng bậc nhất của bản nguyên nữ (Chevalier), là tặng phẩm kỳ diệu nhất của tình mẫu tử. Giá trị kép của bản nguyên nữ là ở trạng thái vừa là trinh nữ, vừa là người mẹ (như mẹ đồng trinh Maria). Cho nên Trăng, Em và Mẹ chỉ là sự phóng chiếu lẫn nhau từ biểu tượng văn hóa đến các biểu hiện sinh động; đồng thời nó ứng với từng giai đoạn khác nhau trong bản chất của một thực thể, một thân phận mà Nguyễn Đức Phú Thọ đã tiên cảm một cách mơ hồ ở tính bao dung các hệ lụy của thiên tính nữ: lặng lẽ nhận thức, tự khám phá (soi bầu ngực vào gương), lặng lẽ hiến dâng (nước sông chảy theo đêm lênh láng), lặng lẽ chịu đựng, lặng lẽ tủi hờn (trai làng chẳng biết cau thơm), lặng lẽ đợi chờ, lặng lẽ đau khổ, lặng lẽ thủy chung, lặng lẽ yêu thương, lặng lẽ vị tha… (mẹ mỏi mòn trông tháng ngày đằng đẵng). Đó là những phẩm chất tạo nên số phận và thiên chức của bản nguyên nữ mà nhân vật trữ tình đã thấu hiểu trong nhịp điệu trầm buồn của người Mẹ khi nhìn lại đời mình, như một tiếng thở dài, như sự xót xa cho thân phận:
Mẹ bảo: Nhúm cau như nhúm ngực, trai làng chẳng biết cau thơm
Cha lên phố mẹ mòn trông tháng ngày đằng đẵng…
Tác giả Trăng mùa hạ đã làm sống dậy những giá trị văn hóa đã được kết tinh từ xa xưa. Ca dao đã từng có câu:
       Vú em chum chúm chụm cau
       Cho anh sờ cái có đau anh đền.
Và từ trong vô thức, thơ Hoàng Cầm đã vọng về nhiều mộng mơ nguyên thủy:
       Ngủ lại giấc mơ dang dở
       Chũm cau căng đứt mạch tằm
       Yếm may ba ngày mẹ vá lại
       Khuya nghe buồng động bóng trăng rằm.
                         (Đêm Mộc)
Nhưng đây là sự tái sinh đầy sáng tạo ở sự đổi chiều các vế so sánh (ca dao và thơ Hoàng Cầm ví ngực như chũm cau, còn Nguyễn Đức Phú Thọ lại làm điều ngược lại: nhúm cau như nhúm ngực). Và giá trị của câu thơ không còn ở sự so sánh nữa, mà để nói điều kín đáo hơn, khó nói hơn: trách móc mà nghẹn ngào, xót xa không chỉ cho mình mà còn cho người. Ở đây, tác giả không chỉ nói được quy luật tâm lý con người, (đa số có tâm lý chuộng ngoại, ham thích điều mới lạ, có mới nới cũ - tục ngữ) chạm đến tận vỉa tầng văn hóa mà còn kết tinh được sự nghiệt ngã của đời người, của trò đùa số phận. Tất cả chỉ vì sự thờ ơ, hờ hững, lạnh lùng, vô cảm: trai làng chẳng biết cau thơm nên mới có chuyện cha lên phố và mẹ héo hon đợi chờ…
Nếu câu thơ thứ nhất âm khí tràn ngập, dồn ứ, bản nguyên nữ miên viễn qua không gian, thời gian trở thành tượng đài về thiên tính nữ, nữ tính vĩnh hằng thì câu thơ thứ hai đã phá tan sự thuần nhất đó bằng sự xuất hiện đầy ánh sáng và màu sắc của bản nguyên dương:
     Dưới ánh trăng mùa hạ
     Đom đóm về thắp lửa ven sông, hoa dâm bụt thắp đèn lồng trước cửa
       Đêm đồng nội, thắp một cơn mưa nhỏ
       Những gái quê tắm mùa hạ chưa chồng
       Đuổi theo trăng
       Trăng tan vào mênh mông…
Ở câu thơ thứ nhất, có sự hiện diện của bản nguyên dương nhưng đó là sự hiện diện “vắng mặt” (trai làng chẳng biết, cha lên phố…), cũng chính vì vậy mà làm tăng thêm một nghịch đảo bản nguyên dương, thì ở câu thơ thứ hai, có sự trở về của bản nguyên dương như là sự trở về với bản thể. Đó cũng chính là sự trao trả cho bản nguyên âm sự sống và tình yêu. Trong sự thiếu thốn đến kiệt cùng gần như chạm đến sự tiệm thoái, sự khao khát héo hắt suối khô dòng lệ (Tản Đà) thì bản nguyên dương xuất hiện đột ngột tác động mạnh mẽ đến bản nguyên âm như một phản ứng nhiệt hạch:
Đom đóm về thắp lửa ven sông, hoa dâm bụt thắp đèn lồng trước cửa
Đêm đồng nội thắp một cơn mưa nhỏ
Ta chỉ cần làm một phép đối chiếu giản dị với câu thơ thứ nhất thì ta sẽ nhận thấy sự chuyển đổi một cách mạnh mẽ, sâu sắc của gam màu, của thi hứng và cả nhịp điệu vận động của hình tượng:
Sự thay đổi của động từ:
câu thơ thứ nhất: soi - chảy lênh láng - trôi ngần ngật
câu thơ thứ hai: thắp… - thắp …- thắp…
Động từ thắp gợi sự chủ động, sự chủ đích, được lặp lại ba lần, đối lập với những động từ vô định, trôi nổi vô biên của chủ thể nữ tính ở câu thứ nhất. Những từ láy lênh láng, ngần ngật đa nghĩa, đa thanh bởi sự gia tăng trường nghĩa khi có sự tham gia của thủ pháp nhân hóa, khiến ta thương cảm và tê buốt bởi sự bao dung và hiến dâng hết mình của bản nguyên nữ.
Những gam màu nóng mạnh và những thực thể biểu tượng của bản nguyên dương: lửa - hoa dâm bụt - đèn lồng, đều thống nhất ở sự nồng nàn, ấm nóng đến nôn nao, mà nguyên mẫu của nó là lửa. Đây là dạng lửa xuyên thấu (thắp). Theo Kinh dịch lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa hè, trái tim. Và thật là hữu lý, khi G. Bachelard cho rằng, tình yêu là giải thích khoa học đầu tiên về sự tái tạo khách quan của lửa. Sự xuất hiện trọn vẹn của bản nguyên dương hé lộ một thời kỳ thiên đường sắp sửa.
Và, nếu những từ láy lênh láng, ngần ngật diễn tả sự lan tràn, vô định và bất biến theo hướng nằm ngang của chiều âm thì động từ thắp và những thực thể đi kèm đều diễn tả hướng vận động theo chiều thẳng đứng của bản nguyên dương. Hình ảnh thắp một cơn mưa nhỏ tưởng như trái với logic của hiện thực, bởi mưa có nguồn gốc từ đất nhưng định mệnh thuộc về trời, nhưng kỳ thực, hình ảnh thơ lại đạt đến đỉnh cao sự diệu vợi, khi nó xuất hiện trong trường liên tưởng tinh tế: trong đêm đồng nội huyền ảo, diễm lệ thì sự sống và tình yêu tái sinh. Tự câu thơ xui khiến ta hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau, đó là hệ quả trực tiếp của kiểu “giải phóng cú pháp”:
       Đêm đồng nội, thắp một cơn mưa nhỏ
       Những gái quê tắm mùa hạ chưa chồng
Câu thơ trùng ngôn có vẻ vi phạm phương châm về lượng: đã là gái lại còn chưa chồng. Từ gái trinh nguyên đến chưa chồng dự báo một quá trình mới trong chiều diễn tiến của thời gian, nhưng ở đây, em vẫn là gái muôn đời (Đinh Hùng), là đồng trinh trắng trong thuần khiết, là khởi thủy và khởi thủy là đàn bà (Đỗ Lai Thúy).
Gái và chưa chồng đồng thời lại là hai bờ vĩnh cửu của sự thuần khiết.  Giữa hai bờ đó là sự hiển lộ của chiếc cầu vồng ảo diệu: tắm mùa hạ. Có thể nói, trên khắp thế giới, tắm là nghi thức đầu tiên trong các nghi thức ghi nhận những bước ngoặt của cuộc đời con người: sinh ra, bắt đầu có khả năng sinh sản và chết đi. Ở đây, những gái quê hớn hở xuân thì như vậy thì chưa thể là viễn tượng sở khởi của sự sinh ra hay mất đi mà chỉ có thể là sự đánh dấu bước sang thời kỳ nguyệt hoa, hoa nguyệt của đời người thanh nữ, như cách nói có phần táo bạo của Hồ Xuân Hương: Này của Xuân Hương đã quyệt rồi (Mời trầu). Khát khao thầm kín mà mãnh liệt của người thiếu nữ được nói bằng hình ảnh ẩn dụ: tắm mùa hạ vừa nên thơ vừa đa nghĩa, giảm đi sự trơ trẽn và làm tăng yếu tố nữ tính.
Từ cái nhìn cả thẹn của Kyto giáo, cho rằng tắm là lẽ trái ngược với tiết hạnh, đặc biệt là tắm nước nóng thì làm tăng khoái cảm xác thịt nên cần phải loại bỏ. Ngược lại, từ cuộc sống nhiều tục lụy, tác giả Trăng mùa hạ đã thông tuệ được niềm hoan lạc giao hòa của mùa ấm nóng tin yêu. Từ đây, ta trở lại nhan đề bài thơ như một dự phóng tiềm tàng của những lối thơ mở ngỏ hun hút khôn cùng. Trăng mùa hạ bao hàm những bản nguyên đối lập mà thống nhất như một thể bất biến trong sự cộng thông âm dương, trong âm có dương và trong dương có âm:
       Đuổi theo trăng
       Trăng tan vào mênh mông…
Sự giao hòa tuyệt diệu, tan loãng vào mênh mông ấy là mộng thiên đường của những mùa hẹn chín giao tình, mùa của những bung nở đắm say trong cõi hồng hoang hương ấm.
Bài thơ được cấu trúc như một trò chơi, trò chơi của ngôn ngữ và trò chơi của những biểu tượng và ý nghĩa của trò chơi ấy được tạo sinh chủ yếu dựa trên trục kết hợp ngẫu nhiên nhưng đạt đến chiều kích những ám gợi những biểu tượng văn hóa. Cái xộc xệch, mơ màng của Trăng mùa hạ đã nói được và nói một cách rất nên thơ cái quy luật vĩnh hằng của vũ trụ và con người - sự cộng thông âm dương.
Nguyễn Thị Tuyết
Theo http://enews.agu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguồn gốc các loài 4

Nguồn gốc các loài 4 CHƯƠNG XI Phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý - Tầm quan trọng ...