Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Tiếng đờn cò bên sông

Tiếng đờn cò bên sông 
Tiếng đờn như tiếng khóc của hai đứa trẻ thơ mơ một mái ấm có ba má nhưng chỉ là hư vô. Bản “Dạ cổ hoài lang” lẳng lặng rơi vào đáy lòng của Út với biết bao cảm xúc đan xen. Tiếng đờn vương trong đêm thanh vắng và hằn lên một nỗi buồn sâu thẳm. Còn má ở đây chắc má lại rầu thúi ruột, nước mắt lại chảy dài cho coi.
Chiều cuối tuần, bến phà đông nghẹt hành khách và người bán hàng rong. Tiếng người nói, tiếng xe nổ, tiếng rao hàng tạo thành mớ tạp âm lào xào. Điều khiến Út chú ý là tiếng đờn cò buồn thê thiết của ông lão hành khất ngồi thu lu một góc đang vang lên. Bất giác Út lơ đễnh ngó ra phía con sông, văng vẳng bên tai tiếng đờn bản “Dạ cổ hoài lang” của anh Hai rơi trên những bông lục bình tím biếc, chen lẫn tiếng rao khỏe khoắn “Kẹo kéo đây…Kẹo kéo đây…chỉ hai ngàn đồng một cây”. Phà cập bến kéo Út về hiện tại nhưng vẫn không thôi suy nghĩ. Giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh vừa rồi ở trường mang lại cho Út suất học bổng du học Hà Lan. Nếu Út đi thì những vòng xe kẹo kéo đêm của anh hai càng thêm nặng trịch vất vả, hẳn thùng kẹo kéo sẽ mặn mùi lo toan hơn. Rồi mưa rồi nắng sẽ bám siết lấy thịt da anh và tiếng đờn cò chắc sẽ thêm thắt dạ.
Con đường từ Long Xuyên về nhà dường như ngắn lại sau mớ suy nghĩ dài ngoằn của Út. Gió lạo xạo vuốt nhẹ mái tóc dài và cuốn phăng những giọt mồ hôi chảy dài trên lưng, chúng chạy tọt xuống quãng đường hơn hai mươi cây số. Đám bạn cùng phòng trọ hết rùng mình đến trố mắt ngạc nhiên khi mỗi tuần Út đều đạp xe về nhà. Mỗi lần bảo đi xe buýt thì Út lắc đầu nguầy nguậy nói: “Say xe thấy mồ” rồi lại cười hì hì. Quãng đường khá xa nhưng không hề làm khó được Út, chỉ hơi vất vả khi vượt qua bốn dốc cầu cao lêu nghêu khi có gió ngược. Qua đò đến cù lao nhỏ toàn là đường đất, con đường chạy dọc theo bờ kinh Chó Mực ngoằn ngoèo, chạy qua một vườn xoài rộng của ông Chín mới đến nhà Út. Nhà Út nằm sát bên bờ sông, nấp sau hàng me nước già cỗi vẫn âm thầm tỏa bóng mát. Tán cây lay lay mỗi khi gió từ bờ sông thổi vào lồng lộng. Hồi đó, hai anh em Út thường hái lá me nước chắp lại thành những trái cầu đá nhỏ xinh để chơi. Sau đó tha hồ mà bẻ trái me nước ăn thỏa thích. Anh Hai luôn nhường cho Út những trái me nước già ngọt nhiều và ít chát rồi luôn biểu Út khi ăn bỏ hột. Dắt chiếc xe đạp vào chái bếp xong, Út lại bàn thờ thắp cho má nén nhang. Tự dưng lòng thấy ấm lại. Trên vách chỗ chiếc đờn cò thường treo bỏ một khoảng trống để lộ ra những ụ mối loang lỗ. Vậy là anh Hai đã đi bán kẹo kéo. Út ra khoảng đất trống trước nhà mọc đầy rau dền đất xanh um, giờ đây anh hai trồng thêm mấy giồng khoai, mấy bụi sả, mấy chồi khổ hoa còn non trái… Nhờ lớp phù sa màu mỡ mà những thứ ấy đều tốt tươi. Thoáng chốc, Út đã hái đầy cả rổ rau dền đất để nấu bữa cơm chiều.
Từ nhỏ, những lúc mưa dầm dề, nhà hết gạo, Út lại ôm anh Hai khóc thút thít bảo: “Phải chi có má ở đây hen anh Hai”. “Nín đi Út”. Nồi rau dền anh luộc giúp hai anh em đỡ dạ. Lớn hơn một chút, anh Hai làm đủ mọi việc dể Út tươm tất đến trường như lũ bạn trong xóm. Anh lọc cọc trên chiếc xe đạp cà tàng để bán kẹo kéo. Nhưng dân ở kinh Chó Mực cũng nghèo nên có khi hai anh em ăn kẹo trừ cơm. Hoặc anh Hai đờn giúp vui trong đám tiệc, số tiền công nhỏ ấy ngấp nghé để anh em Út trang trải mọi thứ. Ở xóm này không ai là không biết lai rai sáu câu vọng cổ. Lúc còn là cậu bé non choẹt ngồi lọt thỏm giữa đám đông người lớn, anh Hai đã biết đờn cò và đờn hay lạ lùng. Bà con rất khoái nghe tiếng đờn của anh Hai để rồi đọng lại trong mỗi người là một cảm xúc khác: có khi sướng mê khi được làm vài xị đế của cánh đàn ông, lúc được mùa rẫy lại trúng giá của cánh đàn bà, nụ cười tít mắt của lũ trẻ khi được nhận kẹo. Họ tấm tắc khen: “Cái thằng đờn hay hết sảy đa! Mới bây lớn đã biết kiếm tiền nuôi em”. Rồi lại chích lưỡi khi nghe anh đờn bản “Tình anh bán chiếu” sao mà ngọt xớt theo giọng ca mùi mẫn của ông Chín vườn xoài. Nhưng Út vẫn thích anh Hai đờn bản “Dạ cồ hoài lang” hơn. Tiếng đờn có lúc ngọt ngào như lớp phù sa màu mỡ sau khi lũ tràn đồng, có khi chan chát như trái me nước còn non, có lúc buồn man mác như buổi chiều mưa thả xuống kinh Chó Mực heo hút này, có lúc lạnh lùng như những ngọn gió bấc lũ lượt kéo nhau về…Nhưng Út vấn tìm thấy hơi ấm trong tiếng đờn ấy, bài hát ấy. Giống như khi nhìn thấy khói đốt đồng làm cay khóe mắt của ai đó khi xa quê. Tiếng đờn của anh Hai nghe rất giống với tiếng đờn của anh Tư đờn cò cách nay gần ba mươi năm. Nhờ tiếng đờn của mình mà anh Tư đã thành đôi với cô gái có giọng hát mượt mà nhất kinh Chó Mực với bản “Dạ cổ hoài lang”. Nhờ vậy, hai anh em Út mới có mặt trên cõi đời này. Bỗng một ngày tiếng đờn cò vụt tắt trên bến sông. Má khóc hết nước mắt ôm hai đứa con nhỏ vào lòng. Kinh Chó Mực vắng bóng anh Tư đờn cò điệu nghệ. Chiếc đờn cò vẫn nằm trơ trọi góc nhà. Nó cũng có vẻ rầu rĩ, buồn bã như chính cái màu đen đúa của chính mình. Qua mấy mùa mưa, hai anh em Út sụt sùi trong tiếng thở than của hàng xóm: “Sắp nhỏ bao nhiêu tuổi đầu mà mất mẹ, thiệt tình…”. Cuộc sống lây lất bằng những ngày anh Hai cuốc đất mướn, trồng rẫy thuê, bán kẹo kéo dạo ban đêm hay những buổi đờn cò thuê đám tiệc. Còn với Út là những ngày đến trường không chỉ là học sinh giỏi tỉnh mà còn là học sinh giỏi quốc gia và nếu có điều kiện Út sẽ đi du học.
Càng lớn Út càng hiểu vì sao anh hay đờn hay đến vậy. Vì giống ba, thương má. Anh Hai bảo muốn tìm lại ba. Anh tin một ngày nào đó ba sẽ trở lại khi nghe được tiếng đờn của anh. Út thích mê cổ tích đến vậy nhưng chưa bao giờ hy vọng như anh. Nhưng ba trở về thì tiếng đờn cò cũng đâu còn tái ngộ với bản “Dạ cổ hoài lang” hồi năm nẵm. Đêm đêm sau khi anh Hai đi bán về, Út học bài xong, hai anh em lại ra bộ vạc trước nhà để tiếng đờn cò buồn hiu hắt vang xa trên bến sông. Mỗi lần nghe Út đều thấy cổ họng nghèn nghẹn. Lúc ấy liếc sang Út thấy hai mắt của anh Hai cũng đỏ hoe. Gió đêm rì rào từ phía sông thổi lên lành lạnh. Út chỉ mong tiếng đờn theo con nước trôi xa, theo ngọn gió bay xa xa tít đến bên ba. Út lại thầm thì: “Tiếng đờn của anh Hai nghe buồn hơn tiếng bìm bịp kêu nước lớn nữa”.
Đêm dần buông xuống, kinh Chó Mực đã chìm vào giấc ngủ ngon lành. Út lại ra bộ vạc ngồi mà thấy lòng như đám lục bình đang dật dờ trôi trên sông. Tiếng lạch cạch của chiếc xe đạp nghe quen thuộc quá. Anh Hai về, Út nhận ra anh gầy hơn trước, cũng phải mà vì cuộc đời lam lũ khiến anh trở nên như thế. Nhìn thấy Út anh Hai hỏi:
- Út về đó hả?
- Dạ, hôm nào cũng về trễ như vầy hết hả anh Hai?
- Không. Chỉ lâu lâu gặp khách nhậu “sộp” khoái nghe anh đờn nên bao nguyên xe kẹo kéo luôn.
- Họ mà cũng biết thưởng thức nữa.
-          …
Lặng im. Út biết mình lỡ lời nên nói sang chuyện khác.
- Anh hai ơi! Có chuyện này…
- Gì vậy Út?
- Dạ..dạ…
- Có gì mà cứ ấp úng hoài vậy em?
- Dạ…lâu quá hổng nghe anh Hai đờn thấy thèm quá!
- Con nhỏ này…
Vẫn điệu bộ quen thuộc ấy khi ôm chiếc đờn cò vào lòng, anh hai ngồi bên cạnh Út. Anh kéo nhẹ cây cần, âm thanh khắc khoải vang lên, tay anh nhấn nhá trên phím đàn. Trượt trong gió những thanh âm nỉ non, anh Hai đờn tới đoạn:
“…Đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Đêm luống trông tin nhạn, ngày mỏi mòn như đá vọng phu…”
Tiếng đờn như tiếng khóc của hai đứa trẻ thơ mơ một mái ấm có ba má nhưng chỉ là hư vô. Bản “Dạ cổ hoài lang” lẳng lặng rơi vào đáy lòng của Út với biết bao cảm xúc đan xen. Tiếng đờn vương trong đêm thanh vắng và hằn lên một nỗi buồn sâu thẳm. Còn má ở đây chắc má lại rầu thúi ruột, nước mắt lại chảy dài cho coi. Vì sao ba bỏ má con Út mà đi? Khi nào ba trở lại? Câu hỏi bỏ ngỏ giữa mênh mông cuộc đời, chỉ có tiếng đờn vọng lại. Đờn làm chi càng buồn hơn anh Hai ơi. Ủa, chính Út bảo anh Hai đờn mà. Út thương anh Hai, thương Út, thương tiếng đờn vẫn bơ vơ, lạc lõng. Trăng chênh chếch, tiếng đờn của anh Hai vẫn vang xa trong đêm, Út tin cơ hội vẫn còn cho những ai cố gắng. Như anh Hai vẫn tin tiếng đờn cò sẽ mang ba trở về với hai anh em. Ngày ấy chắc không xa. Bên sông, tiếng đờn vẫn trong trẻo bay xa.
Ngọc Nho
Theo http://enews.agu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nguồn gốc các loài 4

Nguồn gốc các loài 4 CHƯƠNG XI Phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý - Tầm quan trọng ...