Những năm của thập niên
80, tôi bỗng yêu say mê phong lan, sẵn có đất, có vườn, tôi loay hoay
đóng giàn, bỏ công sức mấy tháng trời sưu tầm được khoảng một trăm
giò, sáng sáng, chiều chiều, chăm chăm, tưới tưới; chuyện đời bên ngoài
khu vườn lan hầu như tôi đã quên. Nỗi đam mê phong lan của tôi truyền
sang bạn bè. Một lần đến nhà tôi lai rai, tận mắt thấy phong lan
treo bốn bề, Hoàng Ngọc Tuấn đã thân ái tặng tôi một nghệ danh: Lan
Công Tử, nghe có vẻ kiếm hiệp. Sự thật, Tuấn rất sính Kim Dung, Sau
Hoàng Ngọc Tuấn có rất nhiều bạn hữu đến thăm vườn lan của tôi,
trong đó một vị khách đặc biệt: Từ Kế Tường. Anh đến thăm tôi vào
những ngày giáp tết, tặng tôi một tờ báo Xuân Công an, tờ báo anh
đang là một trong những cây bút chủ lực, đi theo anh còn có một cô
xinh xinh. Chuyện này tôi không ngạc nhiên vì Từ Kế Tường là một
“khách đa tình” không bao giờ mệt mỏi. Ngắm nhìn ngôi nhà toàn bằng
gỗ, cô bạn gái Tường khen nhà tôi giống nhà ở nông trường bên Liên
Xô. Thì ra cô đã từng xuất ngoại. Tôi không phấn khởi lắm trước lời
khen của người đẹp, nàng gián tiếp chê tôi là một anh nhà quê, dù
là nhà quê Liên Xô.
Tôi ở nhà gỗ trước
hết vì tôi thích, thích nhất là lúc nhàm chán cần có một chút
đổi mới tôi liền đem ngôi nhà của tôi làm vật thí nghiệm. Đập,
phá, cưa cưa, đóng đóng, chỉ một hai hôm sau tôi có một ngôi nhà với
những góc cạnh theo đúng vị trí tưởng tượng của mình, chẳng cần
đến cố vấn của một kiến trúc sư nào cả. Có thể một năm tôi có
đến hai sáng kiến làm khác ngôi nhà, ít cũng một lần, gia đình
nghĩ chắc tôi cũng đôi lúc lan man nhưng, tất cả chỉ im lặng chiều
theo sở thích quái gở của tôi. Sự thật thì cũng có lúc tôi làm
cho ngôi nhà đẹp hẳn lên, không hoàn toàn lộn tùng phèo như họ lo
lắng. Thứ đến vì nghèo, không đủ khả năng xây nhà bê tông, thôi thì
lập dị một chút vừa thỏa mãn được cái ngông, vừa đỡ nhàm chán
hết năm này qua năm khác cứ phải ra vào ngôi nhà nghèo nàn, đơn
điệu.
Trở về chuyện Từ Kế
Tường và cô bạn, sau khi khen ngôi nhà của tôi, Tường ngỏ ý tôi cố
vấn cho Tường một chút hiểu biết về phong lan. Tôi mừng vì Tường
cũng đang tìm đến cái đẹp của thiên nhiên, nhưng muốn chơi phong lan
trước hết phải tìm hiểu về nó, phải có chút kiên nhẫn, dịu dàng
săn sóc nó. Muốn thế phải làm quen với một số lan bụi đời, đó là
những giò lan rừng về tạm trú trong thành phố. Chủ quan nghĩ thế
nên thay vì tặng cho Tường mấy chậu lan quý có nguồn gốc ngoại
quốc, tôi tặng anh ba giò lan rừng: Ngọc Điểm, Trường Kiếm, Nhất
Điểm Hồng, toàn là danh lan bị đọa lăn chai trong phố thị. Quả thực
Tường và cô bạn gái của anh chẳng có chút kinh nghiệm gì về lan
cả, cả hai vui vẻ ra về và không bao giờ họ quay trở lại nhà tôi
nữa. Sau khi họ đi rồi tôi hơi lo lắng xen chút ân hận, thầm nghĩ:
“Gần Tết rồi nếu họ xin mấy chậu phong lan về làm quà cho một
người nào đó thì mình đã làm họ thất vọng!!! Lan nội chỉ quý
đối với những người tâm hồn đã quyện vào hồn hoa, nó chẳng thế
là món quà quý đối với chủ nhân các ngôi biệt thự kiểu bạch tạng
đang mọc lên khắp nơi”.
Mang niềm ân hận trong
lòng, tôi ngược thời gian nhớ về những ngày quen biết đầu tiên giữa
tôi và Từ Kế Tường, bỏ qua giai đoạn trước chỉ biết đến tên mà
chưa biết mặt. Khoảng năm 1981 khi tôi về Phòng Văn hóa thông tin quận
4 nhận công tác, Tường đã làm việc ở đây mấy năm, lúc đó anh đang
là phó chủ nhiệm Nhà Văn hóa quận kiêm thư ký Công đoàn, xét về
mặt tổ chức anh khá có trọng lượng. Còn tôi, lính mới tạm thử
thách ở tổ Bảo tồn bảo tàng. Tôi không ngờ ngành Văn hóa quận 4
quy tụ khá nhiều những gương mặt văn nghệ trẻ ở Sài Gòn như Trần
Dzạ Lữ, Nguyễn Mai, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Đạt, Chu Vương Miện, sau
tôi còn thêm Hoa Tưởng Dung, Phạm Kiều Tùng, nhà thơ nữ xuất thân từ
thanh niên xung phong Thanh Nguyên.
Với lực lượng hùng
hậu như thế đủ sức để làm một tờ báo nổi đình nổi đám. Giang hồ
quen thói lề mề, lại được thảy vào đúng tổ biệt tăm biệt tích có
ông tổ trưởng thuộc loại tửu quỷ, thế là tôi nhanh chóng phạm phải
sai lầm, sau khi đã cùng ông tổ trưởng đi ta bà sương sương nhưng không
quên về họp cơ quan, sẵn hơi men tôi giúp vui buổi họp cơ quan bằng
một màn phụ diễn ca nhạc ngoài lề, còn tổ trưởng của tôi cứ nhựa
nhựa phát biểu chẳng ra ngô cũng chẳng ra khoai khiến thủ trưởng
nổi giận quạt tắt bếp. Tuy không bị thủ trưởng trực tiếp sửa sai
nhưng sau đó ngài thư ký công đoàn đã đóng vai Bao Công mặt sắt phê
phán tôi trước tập thể. Có khuyết điểm, đành ngậm miệng. Tôi không
giận Tường vì nếu là tôi, chắc tôi cũng hành động như thế, cho nên
tôi bình tĩnh ghi nhận kỷ niệm đầu tiên về Từ Kế Tường, sau đó
chúng tôi vẫn thân như chẳng có chuyện gì. Làm việc lâu bên cạnh
Tường, tôi phải ghi nhận anh là một người rất giàu năng lực, phải
nói là thập bát ban võ nghệ món nào Tường cũng biết, cũng làm
được, chưa xuất sắc nhưng có một cán bộ như anh đã vượt yêu cầu. Anh
có thể làm thơ (dĩ nhiên), viết văn (còn phải bàn), nhưng làm vè,
viết tiểu phẩm, soạn kịch bản thì Từ Kế Tường qua mặt chúng tôi.
Lại còn soạn lời bài ca vọng cổ tuyên truyền, lên cầm micro ca vọng
cổ thì tôi thành thật ngả nón bái phục. Đó mới chỉ là theo yêu
cầu công tác, trong sáng tác văn học, nghĩa là anh được tự do,
Tường cũng tỏ ra sung sức, anh viết bất cứ đề tài gì, đáp ứng
mọi mục đích với thời gian nhanh nhất. Có lần Tường đóng cửa, gần
như suốt ngày đêm, trong vòng một tuần lễ viết xong cuốn tiểu
thuyết đặc tính thời sự: Án mạng đêm giao thừa. Tường thắng lớn
bằng tuyệt chiêu của mình, loại các đối thủ viết cùng đề tài
nhưng chậm hơn anh dù chỉ trong một sớm một chiều. Chứng kiến những
pha ngoạn mục do Tường gây ra, một số bạn bè hơi có lòng ganh tị
đã có lời nhận xét khá ác ý: Từ Kế Tường là tổ hợp sản xuất
thơ văn. Cùng quan điểm này nhưng không mang lòng ganh ghét, có chút
biện hộ lẫn công bằng, Huy Tưởng bảo: chúng ta phải khâm phục sức
viết của Từ Kế Tường, nó là một cái tủ gồm có nhiều ngăn, cần
cái gì cứ việc rút ngăn kéo là có tác phẩm. Phải, Tường đã viết
với tốc độ chóng mặt, trong một lần ghé chơi anh đã tặng tôi một
lúc bốn tác phẩm vừa mới lần lượt xuất bản: Tới một tuổi nào,
Tìm nhau trong hương khói, Bông hồng cho tình đầu và Tình yêu có màu
gì mà tôi thường đùa dai hỏi tình yêu có mùi gì? Chưa bàn đến giá
trị tác phẩm, với số đầu sách liên tục có mặt trên các quầy sách
báo cũng là một ước mơ của không ít những người cầm bút mỗi khi
ngồi trước trang giấy, phải đối diện với một cơn “khi vò chín khúc
khi chau đôi mày!” thế mà chữ vẫn chưa chịu chui ra. Các vị này trở
thành những kẻ phê phán mạnh mẽ lối viết văn như mở ống nước. Thôi
thì đó cũng là một mặt những kẻ trong cuộc dù muốn hay không cũng
nên chấp nhận.
Từ Kế Tường làm việc
thì như vậy nhưng chơi cũng ra trò. Có một lần tôi vừa phá tung nhà
làm lại theo kiểu… không có trong khoa kiến trúc, sửa nhà xong tôi
kiếm cớ ăn mừng tân gia. Bạn bè mời đến chật nhà, rượu khổ chủ
mua, khách mang đến cả chục chai, tiếng khui rượu nổ lốp bốp. Thoạt
đầu là người uống rượu, khi bốn năm chai đã cạn rượu quay lại uống
người, rượu nhảy nhót hát hò, bàn ghế dẹp sang một bên lấy chỗ
nhảy… lâm thôn. Tường không bỏ một trò vui nào, mặt anh đỏ bừng,
mấy vết chàm ở tay bình thường đỏ tía, khi rượu tới chữ chuyển
sang màu huyết dụ, miệng cười toe toét, tay múa dẻo quẹo, cũng may
anh không trổ tài xuống xề mấy câu vọng cổ. Không khí đang tưng bừng
bất chợt Từ Kế Tường biến mất, tôi tìm khắp nhà không thấy, ra
vườn gặp một trự nằm lù lù trên ghế bố ngủ ngon lành, nắng rội
vào mặt cũng chẳng hay, tôi lấy máy ảnh chụp liền hai kiểu cảnh
con Ngọc Hoàng nằm ngoẹo đầu ngủ bên khóm lan cau tím phơn phớt nở,
xem ra khi nhà văn ngủ say nom cũng khá lãng mạn.
Những ngày vui của tôi
và Từ Kế Tường ngỡ rằng còn nợ nần lâu dài với nhau, thế rồi
bất chợt bác sĩ kê cho tôi một toa thuốc đặc trị cao huyết áp thời
kỳ… bứt gân máu, kèm theo những lời răn đe kiêng đủ thứ. Thế là những
ngày vui vỡ vụn như tôi làm rơi chiếc bình pha lê, một thời gian sau
tôi xin nghỉ công tác. Sau tôi không lâu, Từ Kế Tường cũng xin nghỉ
việc, anh về đầu quân cho Huỳnh Bá Thành làm tờ Công an thành phố,
chính ở đây, với ưu thế của ngành, phương tiện dồi dào, Từ Kế
Tường đã phát huy được hết năng lực, óc sáng tạo của mình. Còn
tình bạn? Mười năm rồi tôi mới gặp Từ Kế Tường khoảng ba, bốn
lần. Hình như với thời gian, áo nào cũng phải phai màu. Tôi về đơn
độc trau tria kỷ niệm với bạn hữu, nhớ về một thời chúng tôi đã
“vui như chưa lần nào”, một thời đã qua không bao giờ lặp lại nữa.
Trần Áng Sơn
Theo http://www.vanchuongviet.org/
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét