Tôi đã
60 tuổi. Theo Y Vân thì đúng một đời người, theo chuyện cổ nào đó thì gấp đôi
nghĩa là có cộng thêm 15 tuổi của lừa và 15 tuổi của khỉ.
Tôi đã
hành hạ đời mình như thế nào?
Có lẽ
lúc nào mình cũng cảm thấy chưa được sống đúng như mình mong ước, nhưng mong gì
thì mình lại rất mơ hồ.
Trước
khi bước vào tuổi làm lừa thì tôi lại đổi “tông”, đi tu để muốn mình làm Phật.
Chuyện đâu có dễ! Nghiệp làm lừa khiến tôi hốc hác đúng 15 năm. Đúng là cắm mặt
xuống đất, bán lưng cho trời. Ở giữa một vùng sình lầy gai góc, ăn uống thiếu
thốn, khoai nhiều hơn cơm, áo quần vá chùm vá đụp, nhà rách vách nát, biến đổi
dần thành một vùng trời mơ mộng thật gian nan, nghĩ đến còn rùng mình. Vậy mà
lúc đó mình nghĩ sao nhỉ?
Đã bao phen thay rừng hoang thành vườn đẹp
Đã bao phen ban hố sâu thành ruộng xanh
Vẫn từng biến sầu lo ra hạnh phúc
Vẫn từng soi tăm tối thành quang minh.
Đã bao phen ban hố sâu thành ruộng xanh
Vẫn từng biến sầu lo ra hạnh phúc
Vẫn từng soi tăm tối thành quang minh.
Và gì
nữa?
A
ha quanh năm cày với cuốc
Mà ta vẫn sống như muôn đời an nhàn
Dân ta phong lưu trong nhọc nhằn
Cà tương dưa muối nhưng ai giàu hơn?
Xem ai giàu hơn?
Dù mưa gió tấm thân này bết bùn
Mình vẫn tắm nước trong Tào Khê
Xưa đem quăng sạch hết
Nay cũng không cần chi
Kho báu đây cứ tha hồ xài
Đâu mà không là Tây Lai Ý!
Mà ta vẫn sống như muôn đời an nhàn
Dân ta phong lưu trong nhọc nhằn
Cà tương dưa muối nhưng ai giàu hơn?
Xem ai giàu hơn?
Dù mưa gió tấm thân này bết bùn
Mình vẫn tắm nước trong Tào Khê
Xưa đem quăng sạch hết
Nay cũng không cần chi
Kho báu đây cứ tha hồ xài
Đâu mà không là Tây Lai Ý!
Cừ thật!
Ai bảo mình làm lừa? Chỉ là chuẩn bị làm cái gì cao cả hơn thì trước hết phải
làm nhọc cái thân, khổ cái chí của nó vậy thôi. Chư Tổ cũng thường nói: Muốn
làm thầy thiên hạ, trước hết phải làm trâu ngựa cho thiên hạ. Chả thế mà những
người đẹp như Hạnh Phước, Như Đoan cũng đầu quân vào đây cho chân lún tay bầm,
những tiểu thư như Chơn Ngộ, Tâm Lê Thê cũng từ giã phong lưu vào rừng khoác áo
cái bang. Mình bây giờ chỉ làm trâu ngựa vì chính mình, thế là ít nhất sẽ làm
thầy cho chính mình. Điều này đúng! Mấy ông thầy Đại Đăng khi qua Boston phụ dọn
dẹp chuẩn bị lễ khánh thành thiền viện Bồ Đề, mặt mũi lem luốc vì xi măng quét
tường tô trần, đóng nẹp, nối ống..., quần ống thấp ống cao, áo vạt cao vạt thấp,
đã tức cảnh sinh... thơ rằng:
Áo
em vạt ngắn vạt dài
Nghiệp em quá nặng bị đày đến đây
Nghiệp em quá nặng bị đày đến đây
mà cười
tươi rói.
Còn mười
lăm năm qua, tôi đổi nghiệp. Hết còn nhúng xuống bùn sình vì em út đông. Mình
qua lao động trí óc. Chà! Lao động kiểu này coi bộ còn găng hơn cày cuốc. Đầu
óc lúc nào cũng như vật lộn với chữ nghĩa, không còn được hít thở không khí
trong lành của ruộng nương, không còn nhiều dịp ngắm trời mây non nước. Thế giới
của mình bỗng có chư Tổ, các thiền sư cách cả mấy trăm năm, có khi cả ngàn năm
hiện về dạy dỗ nói năng. Ngôn ngữ của các ngài phần nhiều mình không hiểu nổi,
vậy mà còn phải thông ngôn lại cho đàn em. Không nhăn như khỉ sao được?
Thuần
Chánh lâu lâu nhận xét:
- Hình
như càng lúc cô càng nóng hơn thì phải!
Chết
chưa! Nhưng mà chịu gì nổi những dây dưa, nhùng nhằng của huynh đệ, không chịu
nhất đao đại đoạn như Tổ dạy chứ? Mình đâm ra không ưa những nhập đề lung khởi,
cũng không ưa trực khởi một cách thô bạo. Nhưng còn mình thì sao? May mà có bảo
bối của Thầy nhiều năm chắt chiu trao truyền cho nên phải cố chuyển cái anh Tôn
Ngộ Không này thành Đấu Chiến Thắng Phật. Dù rằng thất bại cũng thường nhưng xá
gì. Thất bại là mẹ thành công mà. Nhăn nhó đôi khi chỉ là phản ứng phụ của sự dụng
công chưa chín.
Bây giờ
trở đi mới không biết mình sống nhờ vào tuổi của ai đây? Làm đàn ông, đàn bà gì
thấy cũng ngán quá, huống là làm con gì! Tuy vậy, ngẫm cho kỹ, mình ngán vì
nhìn mọi người chung quanh, coi báo coi chí, thấy đủ mọi chuyện trời ơi. Đôi khi
thật bất lực trước sự rên rỉ của người, không biết phải giúp làm sao ngoài việc
khuyên họ ráng chịu đựng quả do mình gây và tỉnh táo đừng gây tiếp. Chứ cuộc sống
tu hành của mình lý tưởng hết biết, dù cũng có sanh tử biệt ly, cũng thành bại
được mất như ai, nhưng
Khi
biết ta là ai
Sẽ thẹn thùng biết mấy
Xưa nay bao mệt nhoài
Chỉ tự mình lay hoay
Sẽ thẹn thùng biết mấy
Xưa nay bao mệt nhoài
Chỉ tự mình lay hoay
Và hằng
rán nhớ
Này xin chớ mơ ước chi xa xôi
Ngày mai cũng như ngày nay thôi
Tự chính ta khuấy lên cho cuộc đời đục ngầu
Nhìn xem có chi ngoài tâm đâu!
Dừng toan tính sẽ thấy ta thong dong
Lạc viên có ngay từ tâm không
Và sống yên ấm trong quê nhà mình ngàn đời
Tại đây cũng như tại muôn nơi
Tại đây cũng như mọi nơi.
Ngày mai cũng như ngày nay thôi
Tự chính ta khuấy lên cho cuộc đời đục ngầu
Nhìn xem có chi ngoài tâm đâu!
Dừng toan tính sẽ thấy ta thong dong
Lạc viên có ngay từ tâm không
Và sống yên ấm trong quê nhà mình ngàn đời
Tại đây cũng như tại muôn nơi
Tại đây cũng như mọi nơi.
Vừa rồi
nhận được bài của Đoan Trang viết về một cuộc leo núi tuyết bằng “ice axes”
[móc đá] được dùng để lên dốc tuyết. Còn trẻ và có máu mạo hiểm lại khoái tu,
muốn đi để nhìn mình cho kỹ. Đoan Trang bảo nếu có dịp sẽ đưa tôi đến ngọn núi
hơn 12 ngàn bộ này. Tôi nhìn lại cặp giò mình mà ái ngại. Bây giờ mà trợt chân
một cái là cứ việc rơi tự do qua bên kia thế giới. Tôi buột miệng:
Phải
chi thời gian quay lại chừng ba bốn mươi năm, mình sẽ sống bảnh cho mà biết.
Hạnh
Chiếu lật đật can:
Thôi
đi cô ơi! Tuổi nào thì cứ sống y như tuổi đó là hay nhất. Tâm già và thân trẻ,
làm nhiều cái kỳ cục không giống ai!
Tôi lắp
bắp... trong bụng:
Tôi
đâu có già!
Cả
nhóm lên Dalat thăm Thầy bịnh. Trò vây quanh Thầy. Nhìn chung cả thầy lẫn trò đều
lụm cụm. Cô Thuần Trí gai cột sống từ cổ đến đốt cuối cùng, hai đầu gối cũng
gai luôn. Vậy mà làm thơ hăng hái như chiến sĩ ra trận. Tôi cười nhạo cô và
thưa Thầy:
Nhị sư
huynh - tạm gọi thế - bảo rằng cái mê cách ấm thật đáng sợ. Con nói con không sợ
vì kiếp trước chắc con cũng tu lai rai thôi, kiếp này vẫn gặp thầy lành bạn tốt.
Chỉ cần bây giờ sống cho vui vẻ, huynh đệ bảo bọc nhau, hết lòng với nhau là
quý rồi - đây không phải việc rất tầm thường và cũng rất khó làm sao?
Các sư
huynh, sư tỷ đều gật gù. Thầy bảo:
Con nhỏ
này [!!!] hay nói đùa nhưng cũng có chút ít đạo lý.
Bơ vơ
Tôi nằm
mơ.
Hình
như bị lỡ một chuyến xe. Một mình đứng bơ vơ giữa đường, muốn hỏi ai đó nhưng
không đồng ngôn ngữ, muốn về đâu đó nhưng địa chỉ mập mờ trong đầu, không thể
nhớ là gì và là nhà của ai!
Trời đất
mông lung, mịt mờ, tôi hoang mang cho đến khi tỉnh dậy.
Vài
ngày sau đi Ấn Độ. Từ Bangkok qua Calcutta, chuyến bay dài ba tiếng, được báo
là bốn tiếng rưỡi. Đổi hướng dẫn viên. Mười sáu nữ nhân cũng bơ vơ tại sân bay
xứ người. Cô bé tour guide mắt nai ngơ ngác, chẳng biết địa chỉ khách sạn, chẳng
có số điện thoại của người đón, đứng mãi ở quầy điện thoại. Cả đoàn bối rối,
nhưng nhờ đông người và nhờ trong đoàn có Nhuận Ngọc rành tiếng Anh, cô chạy tới
chạy lui tìm cách liên lạc kiếm xe và khách sạn. Bàn tán xôn xao một hồi, mọi
người đồng ý chờ thêm tiếng nữa vì nghi họ bị báo sai giờ. Quả nhiên, đúng bốn
tiếng rưỡi thì bác tài cùng với các cộng sự tiến vào phi trường với những vòng
hoa vạn thọ vàng rực và sũng nước. Mỗi người choàng một vòng hoa cười tươi rói.
Miễn có người đón là được rồi.
Trời
ơi! Có gì đâu! Mình cũng đã từng can đảm lò dò vào đời này một thân một mình,
không một chút khí lực, không mảnh vải che thân, ú ớ nói không ra, không biết địa
chỉ, không biết chủ nhà, mà cuối cùng cũng được đón tiếp theo nghiệp cho đến
bây giờ đây!
Trên
đường đi phi trường, qua Long Thành trời mưa như trút nước. Máy bay cất cánh dưới
mưa quả chẳng là chuyện thú vị. May mà đến Tân Sơn Nhất trời ráo hoảnh. Đến Đài
Bắc bình an. Chuyến bay về Los gặp nhiều đoạn thời tiết xấu, gần như phải seat
belt gần suốt chuyến. Ngồi tận đuôi máy bay, mỗi lần bị nhồi lắc lư như xe qua ổ
gà ổ voi, tôi cứng mình rên thầm: - Ôi! Tại sao dại dột nhận lời thiên hạ làm
chi cho phải treo tim lên ngọn cây như thế này!
Nhìn
qua Đoan Trang đang ngủ ngon lành, vẻ mặt bình thản. Các cô tiếp viên vẫn tới
lui đưa nước đưa khăn, tôi mới thấy mình hơi quá mẫn cảm. Cả máy bay này không
biết có ai hồi hộp như mình không?
Hiền
Phương từ hàng ghế First class đi xuống cười cười:
- Máy
bay lắc quá, con ngồi tuốt ở trên mà cũng bị lắc tơi bời. Vòng về thầy thêm ít
trăm, ngồi ở trước đỡ hơn.
Nhưng
mà... có chuyện gì thì đầu cũng như đuôi! Cái máy bay chứa gần ngàn người,
không một điểm tựa, lơ lửng giữa trời lại còn phụ thuộc gió mây, mưa bão. Ai
nói lướt gió tung mây, vẫy vùng nhào lộn giữa không gian là thỏa chí bình sinh!
Mỗi chuyến bay là một lần nhắm mắt đưa chân, giao tính mệnh cho ai chẳng rõ. Thật
khủng khiếp!
Ủa, mà
cái quả địa cầu cũng không nơi nương tựa, cũng quay vù vù trong những bấp bênh.
Những nguy hiểm không những từ bên ngoài mà còn từ nó trào ra, những thiên tai
dồn dập và nhân tai dập dồn. Vậy sao cả mấy tỉ người cũng bám cứng ngắc vào nó,
còn mong bám lâu chừng nào tốt chừng nấy, có ngán gì đâu?.
Hạnh Huệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét