Không chỉ tại Việt Nam,
âm nhạc Trịnh Công Sơn đã mở đường chinh phục khán giả ở các quốc gia khác
trên thế giới. Đây có lẽ là hiện tượng hiếm hoi của nhạc ca khúc Việt Nam từ
trước tới nay.
Ngay từ năm 1972, Trịnh
Công Sơn đã được giải Đĩa Vàng của Nhật Bản với bài Ngủ đi con, trong Ca khúc
Da vàng, qua giọng hát Khánh Ly, phát hành trên 2 triệu đĩa.
1. Trưa ngày 1/4 năm 2001,
hàng chục cú điện thoại của bạn bè ở Sài Gòn, Huế tới tấp phôn cho tôi báo
tin dữ: “Trịnh Công Sơn... mất rồi !”. Ôi, nhạc sĩ tài hoa của đất nước, người
con thân yêu của Huế đã về cùng cát bụi! Mồng một tháng Tư là ngày nói dối,
hay là tạo hoá đùa trêu?...
Suốt đêm mùng một và ngày
mùng hai tháng Tư, hầu như cả thành phố Huế mở nhạc Trịnh. Mới hôm nào đây
anh Sơn ra Huế, nâng cùng bạn bè chén rượu. Tôi ôm eo anh nâng lên xem anh độ
bao nhiêu ký. “Ôi, sao anh nhẹ như xốp thế này”. Anh xốp vì uống nhiều rượu
và hút thuốc lá quá nhiều. Anh bị bệnh tiểu đường và nhiều thứ bệnh nan y
khác hành hạ bao nhiêu năm nay.
2. Trịnh Công Sơn là một tài
năng âm nhạc độc đáo. Bảy năm Trịnh Công Sơn về “với cát bụi”, đã có hàng chục
sách viết về anh, cuốn mới nhất là tập tùy bút “Cây đàn lia của Hoàng tử bé”
của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Âm nhạc Trịnh ngày càng
lay động chiều sâu tâm thức người nghe... Sống trong đời sống. Cần có một tấm
lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi...
Không chỉ ở Việt Nam,
âm nhạc Trịnh Công Sơn đã mở đường chinh phục khán giả ở các quốc gia khác
trên thế giới. Đây có lẽ là một hiện tượng hiếm hoi của nhạc ca khúc Việt Nam từ
trước tới nay.
Ngay từ năm 1972, Trịnh
Công Sơn đã được giải Đĩa Vàng của Nhật Bản với bài Ngủ đi con, trong Ca khúc
Da vàng, qua giọng hát Khánh Ly, phát hành trên 2 triệu đĩa. Trịnh Công Sơn
có tên trong từ điển Bách khoa Pháp “Encyclopédie de tous les pays du monde”.
Hiện nay nhạc Trịnh đã có
mặt tại nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Có một chàng trai người Đức
mang họ Trịnh luôn cùng bạn bè hát nhạc Trịnh Công Sơn; có một cô gái Nhật Bản
năm nào cũng sang ViệtNam để viếng mộ Trịnh, có nhà nghiên cứu phương
Tây John C. Schafer cũng viết cả cuốn sách Hiện tượng Trịnh Công Sơn...
Đặc biệt, ngày 3/2/2004, tại
trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã công bố “Giải thưởng Âm nhạc
hòa bình thế giới” (WPMA). Sáu tên tuổi âm nhạc nổi tiếng thế giới được giải
thưởng lần này là Bob Dylan, Conuntry Joe McDonald, Hary Belafonte, Joan
Baez, nhóm Peter, Paul & Mary và Trịnh Công Sơn.
WPMA tôn vinh những người
đã đem âm nhạc của mình cống hiến cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và nhân đạo
trên thế giới. Đây là sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất Việt Nam từ
trước tới nay!
Kể từ ca khúc đầu tiên Ướt
mi công bố năm 1959, trải 40 năm sáng tác, Trịnh Công Sơn đã để lại
di sản trên 600 ca khúc lay động lòng người. Người ta chia ca khúc Trịnh
thành “ba dòng”: trữ tình, phản chiến và giải thoát bản ngã!
Lý thuyết là thế, nhưng
tôi nghĩ dưới góc nhìn “hòa bình và nhân đạo” thì hầu như ca khúc nào của Trịnh
cũng là vút lên từ tận cùng sâu thẳm của tình yêu cuộc sống và nỗi đau phận
người.
Nhưng phải nói dòng ca
khúc phản chiến, ca khúc vì hòa bình của Trịnh Công Sơn đã góp phần vào cuộc
chiến đấu vì hòa bình của nhân dân ta. Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: “...Từ
năm 1966, trong vòng 10 năm, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến duy nhất ở
“miền Nam” (trước giải phóng). Nhạc sĩ yêu nước thì có nhiều người,
nhưng nhạc sĩ phản chiến duy nhất chỉ có một“.
Những bài hát trong các tập
Ca khúc Da Vàng và Kinh Việt Nam, không mô tả chiến tranh, mà vạch ra những
vết sẹo chiến tranh: Mẹ cầu cho em. Tuổi xanh đừng biến mất...
Tiếng hát Trịnh Công Sơn
là tiếng hát đòi được sống, đòi được làm người, đòi được hưởng hạnh phúc trên
đất nước thanh bình: Yêu quê hương nước mắt lưng tròng. Người con gái ngồi mơ
thanh bình... Người con gái chợt ôm tim mình. Trên da thơm vết máu loang dần...
Những ca khúc Chỉ có em, Chưa mất niềm tin, Người con gái Việt Nam da
vàng, Kinh Việt nam, Đại bác ru đêm, Gia tài của Mẹ... luôn xoáy vào lòng vết
thương nhân loại, cất lên như tiếng kinh cầu nguyện cho số phận con người,
nên có sức cuốn hút và lay động rất lớn:
Đại bác đêm đêm dội về
thành phố
Người phu quét đường dừng
chổi lắng nghe
(Đại bác ru đêm)
Không chỉ “phản chiến”, âm
nhạc Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn trước ngày 30/4/1975 còn công khai rất nhiều
bài hát về nỗi khát khao thống nhất đất nước: Huế - Sài Gòn - Hà Nội quê
hương ơi sao vẫn còn xa...Việt Namơi còn bao lâu. Những con người ngồi
nhớ thương nhau... Ngày mai đây những con đường Nam-Bắc nở hoa... Ngày vui
lớn sẽ qua trăm cầu... Mẹ dâng miếng cau mẹ dâng ngọn trầu... (Huế - Sài Gòn
- Hà Nội). Trịnh Công Sơn đã cùng bè bạn hát vang ở Sài Gòn ca khúc Nối vòng
tay lớn loan tin thống nhất đất nước đến mỗi gia đình!
Mỗi ngày tôi chợt ngồi thiệt
yên
Chợt nghĩ quê hương, nghĩ
lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao
tôi sống
Vì đất nước cần một trái
tim...
Nhiều năm sau chiến tranh,
Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Ca
khúc Huyền thoại mẹ là một trong những bài hát hay nhất về cuộc chiến
đấu, hy sinh của nhân dân ta vì hòa bình và thống nhất đất nước.
Anh Trịnh Công Sơn kể với
chúng tôi trong một cuộc rượu ở Huế rằng: “Dạo ra Quảng Bình, được nhìn bức ảnh
mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn, rồi kết hợp với
những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, tôi nghĩ đến mẹ của mình,
viết thành bài hát...”.
Sau giải phóng 1975, sinh
viên học sinh miền Nam phải đi đào mương, làm thủy lợi khắc phục vết
thương chiến tranh, có người cho rằng “Nhà nước cộng sản đày đọa học sinh”.
Nhưng Trịnh Công Sơn đã
làm ca khúc để động viên họ: Em ở nông trường, em ra biên giới/ Có những bước
chân đi không về... Có tình yêu lớn bao trùm mọi thành kiến mới thấu hiểu được
lòng người.
Trịnh Công Sơn viết về mùa
thu Hà Nội hay da diết Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đằm kề
bên nhau/ phố xưa nhà cổ/ mái ngói thâm rêu... có thể coi là một trong những
bài hát hay nhất về Hà Nội; anh viết nhạc cho thiếu nhi Em sẽ là mùa Xuân của
mẹ... cũng được trẻ em cả nước hát mấy chục năm nay
3. Ở một khía cạnh khác, có
thể nói ca từ của Trịnh Công Sơn là những áng thơ hay. Đó là nhận xét của rất
nhiều người. Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến gọi ca từ của bài hát Đêm
thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn là là một trong những bài
thơ tình hay nhất của thế kỷ 20. Ca từ cũng là một phần làm nên sức
sống dài lâu của âm nhạc Trịnh.
Hạt bụi nào hóa kiếp thân
tôi
Để một mai tôi về làm cát
bụi...
...Bao nhiêu năm làm kiếp
con người
Chợt một chiều tóc trắng
như vôi...
Bởi thế mà nhà thơ Nguyễn
Trọng Tạo, khi làm tập sách: “Trịnh Công Sơn - Một cõi đi về” đã chọn in
riêng trên 60 ca từ của Trịnh, in thành những bài thơ. Cách làm đó làm cho độc
giả dễ nhận ra chất thơ bi tráng và sâu thẳm trong ca từ của Trịnh. Nhiều lời
ca từ cũng chính là những câu thơ hiện đại, ám ảnh:
Nghe bao nỗi đau trên hai
bàn tay
(Tôi đang lắng nghe)
Dưới vành nôi mọc từng nấm
mộ
(Có một dòng sông đã qua đời)
Sống trong đời sống cần có
một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi...
(Để gió cuốn đi)
Ngày sau sỏi đá cũng cần
có nhau...
(Diễm xưa)
Trịnh Công Sơn có hàng
ngàn câu thơ viết ra từ cõi tâm linh, từ sự chiêm cảm của kiếp người. Ca khúc
Trịnh là thế giới hiện sinh, cũng chính là tư tưởng Phật Giáo hiện hữu trong
máu của anh.
Huế là đất Phật. Trịnh bảo:
“Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi”. Trịnh
lại bảo: “Bậc thượng thừa của hiện sinh chính là ông Phật”.
Những chữ như “hư
vô”, “hư không”, “cõi đi về”, “Đóa hoa vô thường”, ở trọ, cát bụi v.v... là
ngôn ngữ Phật thường xuyên xuất hiện trong ca từ Trịnh: Con chim ở đậu
cành tre / Con cá ở trọ trong khe nước nguồn / Tôi nay ở trọ trần gian / Trăm
năm về chốn xa xăm cuối trời... Những lời ca đó mang màu sắc triết học
nhân sinh thăm thẳm.
4. Năm 1976, tôi từ Sài Gòn
ra Hà Nội rồi về Huế gia nhập đội quân văn nghệ của tỉnh Bình Trị Thiên. Mặc
dù đã hát nhạc Trịnh Công Sơn từ những năm ở rừng miền Đông Nam Bộ, nhưng những
ngày tháng ấy tôi mới được làm quen với anh.
Đại hội Văn nghệ Bình Trị
Thiên lần thứ nhất, Trịnh Công Sơn ngồi bên bàn trước hội trường để thu tem
phiếu lương thực và ghi tên đại biểu. Đó là công việc hành chính ở cơ quan hội.
Anh tươi cười bắt tay từng
người, đeo kính cận dày cộp ngồi đếm đi đếm lại từng ô tem phiếu, vì thời bao
cấp ấy, thiếu tem phiếu thì không thể nào bù được, không thể báo cơm ở khách
sạn cho đại biểu được!
Rồi anh cùng cơ quan lên
Bình Điền, Cồn Tiên (Quảng Trị) cuốc đất trồng sắn, khoai. Đất đồi thì cứng,
thân anh thì mảnh mai, gầy yếu, cuốc được một ngày bàn tay anh phồng rộp cả.
(Bởi thế mà sau này có cây bút hải ngoại lu loa rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường,
lúc đó là Phó chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh đã đày đọa Trịnh Công Sơn đi cuốc đất
tăng gia chảy máu cả bàn tay!).
Trong lúc cả nước đói, ai
cũng phải tăng gia lương thực, riêng gì anh Sơn. Nhưng tôi thấy anh đi làm rất
vui vẻ, vừa làm vừa hát. Anh còn đi tham gia lao động tại công trường Nam Thạch
Hãn... Không việc gì anh không làm. Nhưng thời gian đó, dường như anh viết nhạc
ít đi. Đó là sự thực.
Từng có lúc người ta cho rằng,
nhạc Trịnh Công Sơn là “nhạc vàng”. Một số người cực đoan còn cấm hát rất nhiều
bài hát phản chiến của Trịnh vì họ cho rằng Trịnh chống chiến tranh chung
chung, không phân biết địch - ta, không phân biệt chính nghĩa và
phi nghĩa.
Thời kỳ đó, ở Huế người ta
tổ chức một số cuộc họp để thảo luận về âm nhạc Trịnh Công Sơn với cách mạng.
Những người bạn của Trịnh như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân đã tìm mọi
cách nói cho các quan chức văn hóa biết rằng, Trịnh Công Sơn là một người yêu
nước, trước và sau năm 1975 đã viết nhiều ca khúc cách mạng. Nhưng một số người
vẫn chưa tin.
Ngay cả bài hát nổi tiếng
Nhớ mùa thu Hà Nội viết năm 1984, cũng bị cho là “có vấn đề”, nên bị đình chỉ
đến hơn 2 năm. Tất cả chỉ vì câu hỏi lặp đi lặp lại: “Từng con đường nhỏ trả
lời cho tôi”. Người ta suy diễn: câu hỏi đó là câu hỏi gì, ai sẽ trả lời, đó
là “biểu hiện hai mặt”.
Những người đó không hề biết
hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng đa nghĩa, câu hỏi ở trong trái tim mỗi người.
Vì viết “nhạc vàng”, nhạc không phân biệt “địch-ta”, nên mãi đến đầu những
năm 90 của thế kỷ trước, Trịnh Công Sơn mới được “kết nạp” vào Hội nhạc sĩ Việt
Nam!
Nhưng họp thì họp, nói thì
cứ nói, cấm cứ cấm, mọi người vẫn hát, vẫn nghe Trịnh Công Sơn! Có lẽ vì sự đối
xử đó mà năm 1979, Trịnh Công Sơn đã chuyển vào sống ở Sài Gòn và
ngay lập tức được bầu vào Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật
thành phố, ủy viên điều hành Hội nhạc sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau này tôi thường lui tới
căn hộ chung cư của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đường Nguyễn Trường Tộ, bên bờ
An Cựu, gần nhà thờ Phú Cam. Đây chính là căn nhà Trịnh Công Sơn đã ở trong một
thời gian dài.
Khi chuyển vào Sài Gòn,
anh Sơn đã sang tên ngôi nhà cho vợ chồng Tường - Dạ. Đứng bên ban công dưới
hàng long não, nhìn ra bờ sông, nhìn qua Thánh đường Phú Cam trong chiều
sương tím Huế, nghe âm hưởng của cây lá, của gió, của sông, của bước chân con
gái đi bộ qua đường... Hoặc đi bộ dọc sông An Cựu, qua cầu Bến Ngự lên chùa
Phổ Quang, nơi Trịnh Công Sơn gửi pháp danh của mình, nghe dế kêu trong cỏ,
gió rì rào trong lá, tôi nhận ra đây chính là giai điệu Trịnh Công Sơn!
Trịnh Công Sơn đã viết
hàng trăm ca khúc ở căn phòng này. Lần ra Huế dự “Đêm nhạc Trịnh Công Sơn
quyên góp tiền giúp trẻ em nghèo học giỏi”, anh Sơn nâng cùng anh em chén rượu
Chuồn, tâm sự: “Trong lời bài hát của mình không có một từ nào về các địa
danh của Huế, nhưng toàn bộ âm nhạc của mình chính là Huế đấy, Huế của kiếp
người...”.
Vâng, trên 600 ca khúc của
Trịnh Công Sơn để lại là một phần của Di sản văn hóa Huế , sẽ còn tồn tại lâu
với thời gian...
Âm nhạc Trịnh Công Sơn là
âm nhạc vì con người nên ở lại mãi với hồn người, không biên giới, “cao hơn mọi
thành kiến trên đời” (chữ của Anh Ngọc).
Giải thưởng Âm nhạc hòa
bình thế giới của Liên Hiệp Quốc là sự tôn vinh ở tầm cỡ thế giới về Di sản
âm nhạc của Trịnh. Đây cũng là sự tôn vinh một nhân cách sống và bản lĩnh
sáng tạo của một tài năng âm nhạc khác thường.
Trong dịp nhận Giải thưởng
Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết một bản
kiến nghị gửi Hội đồng Giải thưởng, đề nghị tặng cho Trịnh Công Sơn một giải
thưởng cao của Văn nghệ nước nhà. Đó là một đề nghị chính đáng, vì Trịnh Công
Sơn là một nhạc sĩ lớn, suốt đời vì quê hương, con người mà viết...
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét