Thôn chè Cầu đất và cà phê Tùng
Những ngày cuối Tháng Hai. Trước khi từ giã Châu Âu trở về Bắc
Mỹ ngồi trong quán cà phê bên giòng sông Eble tại thành phố Dresden, tôi và bằng
hữu thân quen chợt nhớ đến Thôn Chè Cầu Đất (còn gọi là Thôn Xuân Trường) và Cà
Phê Tùng - hai địa danh gắn liền với thành phố ngàn thông.
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, du
khách đi thẳng theo đường Trần Hưng Đạo - Hiền Vương lên Trại Mát; từ đây
hỏi bất cứ người dân nào, họ cũng sẽ chỉ rất rõ ràng đường đến Thôn Chè Cầu Đất.
So với mặt nước biển, Thôn Chè Cầu Đất ở độ cao trên 1.650m, khí hậu quanh năm
mát mẻ. Nếu đến chân đồi lúc hừng đông hay lúc hoàng hôn, du khách sẽ nhìn thấy
sương mù giăng khắp lối. Xa xa mặt hồ Phát Chi êm đềm không gợn sóng, tưởng như
mọi tất bật đời thường không thể khuấy động sự êm đềm của đồi chè bạt
ngàn. Hình ảnh những cô gái tay thoăn thoắt hái chè, bên cạnh từng cánh hoa trắng
mong manh ngát hương, bên cạnh những trái chè nho nhỏ xinh xinh, là bức tranh
sinh động đặc biệt của núi rừng cao nguyên. Vào những tháng cuối năm, hoa dã quỳ
nở vàng chung quanh đường lên Thôn Chè Cầu Đất, khiến quang cảnh nơi này đẹp
như tranh vẽ. Du khách mặc nhiên cảm nhận sự ngất ngây say đắm thấm vào đến tận
linh hồn, khi nhìn thấy những ngôi biệt thự cổ kính mang đậm nét kiến trúc
Gothic, ẩn hiện trong vườn hoa rực rỡ hay trong vườn hồng chín đỏ; tất cả nổi bật
giữa rừng thông xanh thẫm.
Thôn Chè Cầu Đất hiện diện tại thành
phố Đà Lạt đã gần 100 năm. Những thông tin có tính lịch sử được ghi lại như
sau:
- Năm 1927: Những chủ nhân người Pháp thành lập Sở
Trà Cầu Đất. Diện tích trồng và khai thác chè trên 600 héc ta.
- Từ năm 1960 đến năm1975: Các thương gia người Hoa quản lý Sở Trà Cầu Đất.
- Từ năm 1975 đến năm 2005: Thôn Chè Cầu Đất trực thuộc Công Ty Chè Lâm Đồng.
- Tháng 02 năm 2005: Chuyển đổi thành Công Ty Cổ Phần Chè Cầu Đất- Đà Lạt; hiện Thôn Chè đang canh tác và khai thác 230 héc ta, trong đó có 200 hecta chè xanh và chè đen, 30 hecta chè ô long giống.
- Từ năm 1960 đến năm1975: Các thương gia người Hoa quản lý Sở Trà Cầu Đất.
- Từ năm 1975 đến năm 2005: Thôn Chè Cầu Đất trực thuộc Công Ty Chè Lâm Đồng.
- Tháng 02 năm 2005: Chuyển đổi thành Công Ty Cổ Phần Chè Cầu Đất- Đà Lạt; hiện Thôn Chè đang canh tác và khai thác 230 héc ta, trong đó có 200 hecta chè xanh và chè đen, 30 hecta chè ô long giống.
Bên cạnh Thôn Chè Cầu Đất, có thể
nói Cà Phê Tùng là một phần không thể thiếu của thành phố Đà Lạt. Chú Tùng
- chủ nhân của quán cà phê này - là người Miền Bắc vào Miền Nam từ trước
năm 1954, định cư tại Đà Lạt. Tính đến nay Cà Phê Tùng hiện diện tại Đà Lạt
hơn nửa thế kỷ. Chú Tùng đã qua đời, nhưng người thân trong gia đình vẫn giữ được
truyền thống của quán cà phê cổ. Những chiếc bàn cũ kỹ, những bức tranh bạc mầu,
những miếng gỗ ốp tường, chiếc cửa ra vào luôn mở hé…Tất cả những gì có từ ngày
Cà Phê Tùng bắt đầu sáng nghiệp, đến nay không thay đổi. Giữa cái lạnh sắt se của
trời đêm Đà Lạt, ngồi trong quán cà phê Tùng nhìn từng ngọn đèn đường mờ ảo qua
ô cửa kính, người ta thật sự cảm nhận trọn vẹn sự thơ mộng của thành phố mù
sương. Những hôm quá lạnh, Cà Phê Tùng là lò sưởi làm ấm lòng lữ khách. Nhưng
cũng có người không ngại ngồi trên balcon - chỉ có một bàn duy nhất -
nhìn xuống đường, để thưởng thức sự rét mướt bao phủ khắp núi đồi Đà Lạt.
Những ai ở Đà Lạt trong thập niên
1960, 1970 đều biết: Thứ Năm là ngày Cà Phê Tùng cho khách nghe nhạc
Pháp. Dĩa hát của những giọng ca vàng từng ngân vang trong quán,
như Francois Hardy với “Tous les garcons et les filles, Ton meilleur
ami”; Sylvie Vartan trình bày thật vui tươi “La plus belle pour aller
danser, En ecoutant la pluie, Quand le film est triste.” Dalida tài danh thể hiện
“Bambino, Histoire D’un Amour, Bésamé Mucho.” Christophe hát “Mal, Aline, Main
Dans La Main,” hay Charles Aznavour trầm ấm lả lướt với ca khúc “Et Moi
Dans Mon Coin..”
Những ngày cuối Tháng Hai. Trước khi
từ giã Châu Âu trở về Bắc Mỹ, hình ảnh Thôn Chè Cầu Đất, hình ảnh Cà Phê Tùng
hiện ra trong trí tưởng, khiến tôi và bằng hữu bỗng ngậm ngùi. Chúng tôi đi qua
nhiều quốc gia ở miền Viễn Đông, ở Châu Âu, ở Bắc Mỹ…, nhưng lòng không quên Đà
Lạt - địa danh chỉ cần nghĩ đến đã thấy lòng bình yên, đã thấy rất thân thiết.
Tưởng như Đà Lạt khói tỏa, sương lồng, cây xanh, lá biếc đang hiển hiện giữa
giòng sóng Elbe. Cùng đường viễn khách tha hương, quá giang nước chảy tầm
phương nhớ nguồn. Lên cao khói sóng hồ tuôn, phố hoa khẽ gọi chợt buồn chân
mây. Thôn Chè Cầu Đất hay đây, Cà Phê Tùng vẫn mộng đầy hư không.
HẢI VÂN
Theo http://www.dalatdauyeu.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét