Sài Gòn bắt đầu một mùa mưa. Mỗi chiều Sài Gòn ướt đẫm những
cơn mưa xối xả. Mưa giăng giăng khắp lối, đường phố vắng lạnh, hàng quán vắng lặng
bước chân người qua.
Tiếng nhạc khắc khoải chợt thoang thoảng bên tai:
“...Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
...Chiều nay còn mưa sao em không lại? Nhớ mãi trong cơn đau vùi”
Trú mưa dưới mái hiên ven đường ngắm cơn mưa chiều lạnh lẽo
đi qua, lòng tự dưng xao động một cảm xúc mac mác giữa mồn một không gian đất
trời. Cơn mưa nhắc nhớ lại những kỷ niệm đẹp của một mối tình lãng đãng khói
sương. Hình bóng người xưa đã xa khuất mịt mù, nhưng cơn mưa chiều nay vẫn
bay bay những nỗi nhớ nhung.
“...Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau? ...Để người phiêu lãng quên mình lãng du”
Cơn mưa bất chợt chuyên chở một nỗi buồn tê tái không biết
gọi tên khơi dậy trong lòng người khách phiêu lãng. Tiếng mưa rả rích, tiếng
gió rít mịt mù đất trời, những chiếc lá mỏng manh trong gió mưa. Cơn mưa chiều
lặng lẽ giăng kín tâm hồn một cảm giác cô đơn, lẻ loi khôn cùng và người
khách phiêu lãng muốn nhanh chân phóng xe về tổ ấm, như tìm về nơi nương náu,
trú ngụ yên bình.
Sau cơn mưa chiều, đường phố sáng sủa, tinh tươm một màu mới,
tựa như đã gội sạch biết bao âu lo, bụi bặm đời thường. Thiên nhiên khoác một
màu áo tinh khôi lên tâm hồn con người và tâm hồn con người trở nên lành sạch,
trong trẻo như khúc đồng dao của thuở ấu thơ.
Chiều ngoại ô và những cơn mưa mùa hạ.
Cơn mưa bắt đầu với nổ đùng đoàng, rin rít hệt tựa thanh
âm súng đạn trong những ngày trời trĩu trịt vói những làn sáng xoèn xoẹt như
xé rách khoảng không. Mây ngùn ngụt cuồn cuộn, phủ lấp, trong ti tắc, tất cả
nhuốm chìm dưới một lớp ánh sáng mập mờ, u ám. Và mưa. Lạo rạo bầm bập ùa
trên lá, trút trên đất, búng lên da thịt ngưòi chậm bước, đau li rỉ… Mặt đất
loang lỗ các vết ướt như những mảng vá sẫm màu trên nền đất nâu. Ban đầu là
những hạt. Rồi những hạt đơm đặc, dày lên trắng xoá. Một mảng màu trắng ồ ạt
rơi nghiêng, chênh chếch.
Con bé ngồi thu lu sau ô cửa bằng gỗ phết sơn xanh. Lớp sơn
ủ màu bong dần ra phô lên cái màu gỗ nâu sậm, làm rơi vãi trên bạu cửa lớp lớp
những gam bụi màu xanh. Con bé thò tay vệch lên trên nền bụi ấy những hình vẽ
nguệch ngoạc nhăn nhít. Bên ngoài, mưa vẫn xối xả. Mưa trút trên những tàng
cây vú sữa chếch phía trên ô cửa, hắt vào chỗ ngồi của nó những hạt li ti.
Con bé gọi đó là: Bụi nước. Nó vui với cách gọi tên ngố kệch của mình và ngồi
thừ ra đó, tiếp tục những hình vẽ mặc lớp bụi kia mỗi lúc một bết đặc trên
món tóc rối lu bù, vàng màu nắng loe hoe. Món tóc mà cứ mỗi chiều, mẹ nó chưa
kịp sờ tay lên là đã chí choé “Mày có đi tắm ngay đi không!“
Con bé không ngắm mưa vì thích. Thực ra là nó đang quan
sát. Khi cơn mưa mỏng dần đi, nó cũng đựợc kề cận cái sự tự do. Sau lưng nó,
trên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, chậm rãi giọng hát âm ấm phát ra từ từ chiếc
cassette màu đen. Nó không biết chiếc máy hát cà khổ ấy có từ bao giờ, và nó
cũng không quan tâm ngưòi có chất giọng trầm ấm kia là ai. 14 tuổi, nó man
máng cảm nhận: giọng kia buồn và hoài niệm quá. 14 tuổi, vào những chiều mưa
như vầy, chị cấm nó không đựoc lò dò ra hiên nghịch nước. 14 tuôỉ, có những
chiều mưa vội, chị bắt nó phải nghe đến mỏi mòn từng lời của "Diễm Xưa".
"...Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.
Dài tay em mấy thưở mắt xanh xao Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu
Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngắm những chuyến mưa qua Trên bước chân em âm thầm lá đỏ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa..."
Dạo trước, có một ngưòi con trai hay ghé nhà nó chơi vào mỗi
lúc giữa chiều. Anh cao nhưng hơi gầy, da ngăm đen.Anh có những ngón tay thon
dài rất đẹp mà sau này nó biết đựoc rằng: Những ngưòi có những ngón tay như
thế có trong trong mình chất máu ngưòi nghệ sĩ . Anh và chị nói chuyện với
nhau rất lâu, và lần nào cũng vậy, đủ mọi chuyện để nói. Nó lản vảng quanh
queo , chân tay thừa thải mà không dám bỏ đi đâu xa vì mẹ cứ hay dặn nó mỗi
lúc đi làm “Con ở nhà với chị. Không đựoc bỏ sang nhà hàng xóm!“ Vì vậy những
câu chuyện của họ bao giờ cũng trong tầm phủ sóng của nó. Nhưng nó nào hiểu
và nào muốn hiểu.
Một thời gian sau nữa, anh thôi đến. Chị khóc, khoé mắt
xanh xao. Sờ vào gối chị lúc giữa trưa, nó vẫn thấy gối còn ươn ướt. Mọi
ngưòi bảo: Chị bị cấm đoán không được phép đi xa hơn nữa, vì anh sống có một
mình, gia đình lại ở xa, nghe đâu ở tít trên Gia Lai, mẹ sợ chị lấy chồng xa,
một đời long đong vì thương nhớ … Hơn nó 12 tuổi, chị vốn đã xa cách, nay lại
càng thêm xa cách. Hằng ngày chị vẫn im lặng đi về từ nhà đến trạm xá trên
chiếc xe đạp màu tím cũ nhoè. Chị khép mình, ít nói hơn. Cuộc sống mỏi mệt.
Chị nghe đi nghe lại chiếc băng ghi âm giọng hát trầm ấm của cô ca sĩ đó. Một
lần nó buồn hỏi là ai, chị trả lời “ Là Khánh Ly hát nhạc Trịnh “Chiều mưa, chị
cứ thích cái bài "Diễm Xưa", tua đi tua lại đến mức nó trộm nghĩ:
Cái băng xấu số kia ắt sắp rửa ra vì nhàu nát. Nhạc ông buồn, cô kia hát cũng
buồn, tuổi thơ của nó cũng buồn lây.
10 năm sau….
Nó là một cô gái 24 gầy mong manh, đa man, nhạy cảm. Nhét chiếc
MP3 vào ổ đĩa, nó bấm số đến bài "Diễm Xưa" rồi đến bên bậu cửa nơi
ngày đó nó đã từng ngồi. Ngày đó, chị buộc nó nghe "Diễm Xưa" của
Trịnh. 10 năm sau, tự nó nghe Trịnh và "Diễm Xưa". Nó biết buồn những
chuyện riêng tư và buồn cả cho phần hồn bị mất đi của chị nó. Chồng chị là một
ngưòi biết lo toan chu đáo theo cái nghĩa vật chất. Cuộc sống như vậy là ổn
theo cách nghĩ của mọi ngưòi. Nhưng nó biết, nếu nó là chị, nó sẽ khổ sở biết
nhường nào, trái tim nhỏ bé của nó vốn dĩ rất dễ bị đau… Bên ngoài trời vẫn
còn mưa. Không phải mưa hạ! Mưa xuân. Mưa từng chuyến, nhẹ nhàng, phân phất..Nó
khẽ tay sờ lên mi mắt, có phải những giọt mưa?
"...Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau Để người phiêu lãng quên mình lãng du..."
Có một mùa thu tôi ngồi bên hiên nhà. Mưa ướt trời. Buồn
nhè nhẹ rơi. Văng vẳng đâu đó giọng hát Quang Dũng trầm khàn da diết.
Từng giọt âm thanh – từng giọt hồn rót vào lòng… thấm đẫm… lắng sâu...
"...Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thưở mắt xanh xao Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu..."
Những ca từ man mác, bâng khuâng, buồn như cõi lòng của
chính tác giả và xa xôi khó hiểu như tình yêu vốn vẫn thế. Tim tôi rung lên
theo nhịp đập của một thế giới khác, thế giới rất gần nhưng cũng rất xa. Vừa như
thực vừa như cơn mơ:
"...Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua Trên bước chân em âm thầm lá đổ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa..."
Không phải tiếng hát bình thường mà là tiếng đau thốt ra rừ
một tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn. Cái hay của Trịnh Công Sơn là ở đó. Thơ và nhạc
hòa quyện, tâm linh nương theo âm thanh tạo ra những giai điệu quyến luyến hồn
người, đánh thức trong mỗi người cảm giác thảng hoặc mơ hồ - có thể đã trải
qua cũng có thể chưa bao giờ trải qua. Tưởng như hồn tác giả, hồn người nghe
và hồn bài hát đã đan xen vào nhau để cùng xót xa, ray rứt:
"...Chiều nay còn mưa sao em không lại Nhớ mãi trong cơn đau vùi Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau Bước chân em xin về mau..."
Dẫu không thể hiểu hết những tâm sự thầm kín, những tấc lòng
bơ vơ mà tác giả gửi gắm, tôi vẫn xúc động mãnh liệt trước một trái tim yêu đầy
muộn phiền, khắc khoải. “Làm sao có nhau…” câu hỏi cứ xoáy sâu, đau đáu. Suốt đời
nhà nghệ sĩ vẫn canh cánh một nỗi tình phai. Cô gái ấy xa rồi, dưới hàng long não xanh mướt, trong không gian liêu trai của xứ Huế. Người cũng đã nằm xuống,
trở về cát bụi theo lời thiên thu gọi. Chỉ sương khói trần gian vẫn mông lung
chốn này…
Mùa thu - ngoài trời vẫn mưa. Giọng hát trầm buồn của Quang
Dũng vẫn da diết:
"...Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Để người phiêu lãng quên mình lãng du…..."
Tôi biết mình yêu Trịnh và Diễm xưa nhiều lắm…
|
Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016
Cảm nhận về ca khúc Diễm xưa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh
Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét